(Baonghean) - Tuần thứ 3 của tháng 9, bài “Giải quyết "việc làm" cho cán bộ đoàn cơ sở” được bình chọn bài hay với số phiếu cao nhất. Bài viết đã nêu được những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những giải pháp cho vấn đề trên, theo đó cho thấy để có được “đầu ra” cho cán bộ đoàn cơ sở, ngoài giải quyết các nguyên nhân khách quan thì cán bộ Đoàn cần tự khẳng định, tự chuẩn hóa mới có thể đảm bảo “đầu xuôi đuôi lọt”.

Tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho cán bộ đoàn cơ sở, trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cấp là vấn đề “bí” ở nhiều địa phương cần được tháo gỡ. Ngày 8/2/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 289-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là “chìa khoá” để tạo điều kiện thúc đẩy giải quyết khó khăn, ở ra “lối thoát” cho cán bộ đoàn cơ sở, cho chính quyền cấp xã trong bố trí nhân lực, cán bộ hợp lý, hợp tình. 
images1388930_images1382917_img_0647.jpgAnh Nguyễn Văn Học, Bí thư Đoàn xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) trò chuyện với phóng viên.
Từ những tổng hợp, tìm hiểu thực tế, tác giả cho thấy, qua 4 năm thực hiện, Nghệ An đã đạt được một số kết quả nhất định. “Cán bộ Đoàn chủ chốt ở huyện và cơ sở đã được trẻ hóa, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ không ngừng được nâng lên, từng bước hình thành một lớp cán bộ Đoàn trẻ, năng động, nhiệt tình, bước đầu góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở cơ sở. Đặc biệt, trong Đại hội Đảng cấp cơ sở, cán bộ Đoàn được coi là nguồn bổ sung quan trọng cho hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nhiều cán bộ Đoàn được tạo điều kiện trưởng thành, được giao các vị trí chủ chốt ở các xã, phường, thị trấn”. “Từ năm 2010 đến nay có 18 cán bộ tại cơ quan Tỉnh đoàn, 45 bí thư, phó bí thư Đoàn cấp huyện và hơn 200 cán bộ chuyên trách cấp xã được trưởng thành, chuyển công tác”.
 
Có được những kết quả ấy là nhờ cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của các cấp uỷ, chính quyền và của từng cá nhân cán bộ Đoàn; nhờ nhận diện được những khó khăn, vướng mắc sát với thực tế của từng địa phương. Tác giả đã nêu và phân tích được các nguyên nhân như: “Do một số cấp ủy chưa thực sự chú trọng tới việc bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ, do đó không có nhiều vị trí để bố trí công tác đối với cán bộ Đoàn, đặc biệt là những người đã quá tuổi theo quy định tại quy chế; chất lượng “đầu vào” của cán bộ Đoàn cơ sở nhiều nơi còn thấp; do cán bộ ở xã đều trẻ, chưa có vị trí trống để bố trí cho cán bộ Đoàn…”. Trong đó hai nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là công tác quy hoạch cán bộ cấp xã chưa “tính” đến bố trí công tác cho cán bộ Đoàn quá tuổi; thứ nữa là chất lượng của cán bộ Đoàn nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu công tác khi được bố trí công việc mới.
 
Từ đó suy ra “lời giải” cho vấn đề trên, như lời ông Lê Quốc Khánh, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy chính là: “Ở đâu cấp ủy quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thì ở đó đầu ra cho cán bộ Đoàn cũng sẽ thuận lợi hơn” và quan trọng nhất vẫn là “bản thân người cán bộ Đoàn phải “tự khẳng định mình”, có ý thức “tự chuẩn hóa” bằng cách tự học, tự trau dồi, chủ động tham gia các lớp đào tạo phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế tại địa phương” để chủ động tạo “đầu ra” cho chính mình.
 
Người xây dựng