(Baonghean) - Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân bằng nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, và từ các nguồn tài trợ khác. Mặc dù vậy, trên thực tế, các khoản đó mới giúp người dân bớt khó khăn nhưng chưa giải quyết được vấn đề căn bản là bù đắp chi phí sản xuất, chi phí đầu tư, để tái hoạt động sản xuất. Chính vì vậy, Quyết định 315/QĐ-TTg có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với nền nông nghiệp và hàng triệu người nông dân mà còn giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
 
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm. Hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20%. Hiện BHNN mới được thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố (trong đó có tỉnh Nghệ An, mỗi địa phương chọn 3 huyện) đối với một số loại cây trồng, vật nuôi nhất định do địa phương lựa chọn.
 
Cùng với đó, Thông tư 121/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện thí điểm. Theo đăng ký của các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính trước mắt đã có quyết định cho Bảo Việt và Bảo Minh thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Như vậy, 2 Công ty bảo hiểm đã cùng "bắt tay" đồng thực hiện. Cụ thể, nếu nông dân ký hợp đồng bảo hiểm với Bảo Việt thì Bảo Việt sẽ chịu trách nhiệm 60%, Bảo Minh là 40% và ngược lại. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đang thực hiện thu xếp tái bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, Vinare đã phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng chương trình tái bảo hiểm. Cùng với đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thành lập tổ tư vấn triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.
 
Thực tế, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm trong nông nghiệp ở một số địa bàn và một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhất định trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, do đối tượng tham gia bảo hiểm ít, cùng với đó, phí bảo hiểm cao, tổn thất lại lớn nên hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp trong 3 năm qua chưa thu được kết quả như mong muốn.
 
Nghệ An là tỉnh rộng, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, song được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp quan tâm cho thí điểm thực hiện bảo hiểm đối với: cây lúa nước; bảo hiểm đối với chăn nuôi: lợn (thịt, nái, đực giống), bò (thịt, cày kéo, sinh sản), trâu (thịt, cày kéo, sinh sản).
 
Mặc dù đã hỗ trợ mức cao cho người nông dân tham gia bảo hiểm nhưng liệu người nông dân không muốn bỏ tiền ra đóng nốt phần phí còn lại do chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm? Bên cạnh đó cũng sẽ có rất ít những hộ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm khi tham gia loại hình dịch vụ bảo hiểm này.
 
Chính vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHNN cũng là vấn đề quan trọng để góp phần tạo sự thành công trong triển khai thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.


Hoàng Đình Ngọc