(Baonghean.vn) - Sáng 16/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện đề án 5727 về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2009 - 2015.

Tham dự có đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, xã và đại diện các làng nghề tiêu biểu.

images1191805_img_2661.jpgToàn cảnh hội nghị

Qua 7 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 68 làng nghề và trên 3.000 làng có nghề, nhiều ngành nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó,  đã có 58.180 được đào tạo nghề, đạt 92,3% so với  mục tiêu đề án, hơn 85% học viên sau khi học nghề đã có việc làm và tự tạo việc làm ổn định tại các làng nghề, làng có nghề, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Đề án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2009 - 2015 là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người lao động và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội khẳng định nhờ đề án 5727 đã góp phần nâng cao chất lượng lao động và mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động của các làng nghề.

Tuy nhiên bên cạnh đó, hiệu quả việc làm sau đào tạo một số nghề ở Nghệ An chưa cao. Hiện vẫn còn tình trạng một số lao động nông thôn sau học nghề không tạo được việc làm hoặc việc làm chưa bền vững, thu nhập chưa ổn định, đặc biệt là các huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Một số sản phẩm của các làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ như mây tre đan, dệt thổ cẩm.

Đề án 5727 góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới - khẳng định của đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Hoàng Viết Đường đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động  phục vụ phát triển TTCN - làng nghề trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế, đồng chí cũng cho rằng công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, manh mún, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh.

Thời gian tới đồng chí mong muốn cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, các địa phương, cần liên doanh liên kết trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Liên minh hợp tác xã cần chủ trì và phối hợp với các sở, ngành để tiếp tục xây dựng đề án nghề giai đoạn 2016 - 2020. Cần rà soát lại các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh để xây dựng mục tiêu cụ thể và nghiên cứu lựa chọn những ngành nghề có tính thiết thực, hiệu quả, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

ên cạnh đó, phải quan tâm và có chính sách đối với công tác đào tạo nghề, tăng cường công tác tuyên truyền, phân luồng học sinh, khuyến khích học sinh học nghề. Đề nghị các trường, các nghệ nhân, thợ giỏi trong quá trình truyền nghề phải đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy nghề, coi trọng việc cung ứng cho thị trường đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu của tỉnh và hội nhập Asean, quốc tế...

Đồng chí Hoàng Viết Đường trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể xuất sắc.
Trao Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong công tác đào tạo nghề.

Dịp này, 13 tập thể và 7 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động phục vụ phát triển TTCN - làng nghề giai đoạn 2009-2015.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN