(Baonghean) - Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhà thơ Phạm Tiến Duật có một bài thơ nổi tiếng: “Gửi em cô thanh niên xung phong”.
Và có lẽ đây là một trong số ít bài thơ thành công viết trực tiếp về lực lượng thanh niên xung phong - một lực lượng trẻ trung đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình trên những tuyến đường ra mặt trận. Hình ảnh những cô gái phá bom nổ chậm, mở đường hiện lên vừa tinh nghịch vừa hồn nhiên: “Đại đội thanh niên đi lấp hố bom - Áo em hình như trắng nhất” với sự lạc quan: “Ngày em đi phá bom nổ chậm - Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”...
Còn đó những địa danh: Hang Tám Cô; Ngã Ba Đồng Lộc; Truông Bồn... mãi mãi in dấu ấn vào lịch sử với những chiến công huyền thoại, những sự hy sinh bất tử.
Còn đó những con đường mòn vượt qua bao dốc đèo mây phủ lên Điện Biên Phủ năm xưa in dấu xe thồ, gồng gánh của dân công hỏa tuyến trong thơ Chính Hữu: “Thư người hậu phương - Gánh gạo đưa chồng - Ngổn ngang từng nét - Như gồng như gánh dân công..”
Còn đó những tuyến đường Trường Sơn vang vọng mãi khúc hát “Cô gái mở đường” của nhạc sỹ Xuân Giao: “Không thấy mặt người - Chỉ nghe tiếng hát” và “Chỉ nghe tiếng hát mà đem lòng yêu thương”. Những cánh rừng với những lán thanh niên xung phong lợp tạm bằng lá cây, những dây phơi áo xanh túi áo chéo nghiêng, những khăn mặt xanh, mũ tai bèo xanh và xanh cả những cơn sốt rét rừng, mái tóc xanh dài rụng dần vào nước trong con suối để hồi sinh hồng hào thêm những tuyến đường mới mở: Con đường như động mạch của trái tim. Những “cánh rừng con gái”, “cung đường con gái” - đây như là một đối trọng với những gì ác liệt nhất của chiến tranh, của bom đạn, của chết chóc. Đó là sự dịu dàng, thủy chung, đảm đang và anh hùng bất khuất của người con gái Việt Nam có từ thời Bà Trưng, Bà Triệu.
Thanh niên xung phong - cái danh hiệu thiêng liêng cao quý đó thật bình dị, gần gũi như tên một con người. Sau chiến tranh họ trở lại cuộc sống đời thường làm mẹ, làm vợ. Và cũng có bao người hy sinh cả hạnh phúc bình dị ấy do những hoàn cảnh éo le. Cũng chính nhà thơ Phạm Tiến Duật trong trường ca “Tiếng chuông chùa” đã viết thật cảm động về những sư nữ nguyên là thanh niên xung phong. Tiếng chuông chùa ngân lên thật da diết và cũng bao dung độ lượng thanh thản nhận về mình những thiệt thòi, thiếu hụt.
Tôi đã nhiều lần chứng kiến những cuộc gặp mặt của các cựu thanh niên xung phong. Mái tóc bây giờ đã bạc, vầng trán đã hằn nhiều nếp nhăn. Bàn tay năm nào thon thả đã chai sần lại cầm búa cầm chòong đục đá mở đường giờ đã răn reo nhưng nụ cười và ánh mắt thì vẫn trẻ trung như ngày nào. Họ vẫn ở nguyên trong đội hình của các tổng đội thanh niên xung phong năm xưa. Họ ôm choàng nhau vẫn mặc bộ quân phục màu xanh cỏ úa và đặc biệt là tấm huy hiệu TNXP trên ngực áo vẫn phập phồng sức trẻ của một thời để Tổ quốc mãi mãi ngàn đời trường tồn vĩnh viễn...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú