(Baonghean) Việc phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã góp phần gia tăng sản lượng điện, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm cho người lao động; đồng thời làm nhiệm vụ trữ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng làm phát sinh một số vấn đề phức tạp về môi trường.

Đơn cử như tại khu vực Tây Bắc, trọng điểm là huyện Quế Phong, ngoài Nhà máy Thủy điện Hủa Na trên sông Chu công suất 180 MW là lớn nhất, còn lại là các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ như Bản Cốc, Sao Va, Nậm Pông, sông Quàng... Nếu trước đây thác Sao Va được du khách khắp nơi biết đến là một thắng cảnh nổi tiếng, niềm tự hào của người dân Quế Phong, thì từ khi có công trình thủy điện tại đây, nhất là khi nhà máy này đi vào tích nước thì thắng cảnh này chỉ còn là một cái ghềnh trơ trọi và kéo theo đó là nhiều hệ lụy về môi trường.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra trong việc đánh giá tác động môi trường trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, chủ yếu là các chủ đầu tư đã không thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chưa tính toán đầy đủ và chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý đối với những biến đổi sinh thái ở thượng lưu và hạ lưu của các dự án. Đặc biệt, một số chủ đầu tư đã lợi dụng việc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ để phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, Phòng CSMT Công an tỉnh đã phát hiện 16 trường hợp lợi dụng các dự án thủy điện vừa và nhỏ để khai thác vàng trái phép, 3 vụ lợi dụng để khai thác gỗ trái phép với 125m3 gỗ các loại...

Để ngăn chặn những vi phạm về môi trường trong triển khai các dự án thủy điện vừa và nhỏ, trước hết các cơ quan chức năng cần tham mưu UBND tỉnh trong việc quy hoạch cụ thể các khu vực đầu tư xây dựng và khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Việc cấp phép phải dựa trên năng lực thực tế của doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố môi trường xã hội bền vững.

Tăng cường đào tạo, bố trí những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy điện và bảo vệ môi trường. Tập trung khuyến khích các dự án có tính khả thi cao, tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động và mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế - xã hội của địa phương. Xử lý nghiêm các dự án cố tình vi phạm, trong trường hợp cần thiết, cần đề xuất rút giấy phép đầu tư đối với các dự án vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.


Đặng Nguyễn