(Baonghean.vn) -  Ngày 7/6/2011, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL về “sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính” có trong 16 văn bản của Bộ VH-TT-DL trước đây đã ban hành (gồm 6 Thông tư, 10 Quyết định).

Như vậy, Thông tư 07 chỉ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ một số quy định về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn chứ không liên quan đến Quy chế hoạt động văn hoá tại Nghị định 103 và quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hóa (DVVH) tại Nghị định 75 của Chính phủ đã ban hành. Có thể xem Thông tư 07 lần này là một bước trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực hoạt động văn hoá và DVVH, và có tính chất thông báo để mọi tổ chức, cá nhân nắm rõ trong thực hiện.

Trên lĩnh vực di sản văn hoá, Thông tư 07 đã giảm bớt thủ tục, thời gian cấp phép đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và thủ tục cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được Thông tư 07 phân định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép và cơ quan phối hợp quản lý (nơi được cấp phép). Lâu nay nhiều địa phương cũng như Nghệ An có tình trạng đoàn nghệ thuật được Bộ cấp phép nhưng về địa phương nơi được cấp phép biểu diễn không được biết, thậm chí không dám kiểm tra nên dù biết họ có nhiều sai phạm như thay đổi diễn viên, nội dung biểu diễn, hoặc thời gian, địa điểm biểu diễn… vẫn rất khó xử lý. Nay Thông tư 07 yêu cầu dù cấp nào cấp phép, địa phương cấp huyện vẫn có quyền xử lý và báo cáo kết quả xử lý cho cơ quan văn hoá cấp trên.

Lĩnh vực khá nhạy cảm là kinh doanh DVVH như vũ trường, karaoke lâu nay được xem là loại hình kinh doanh có điều kiện, việc cấp giấy phép (GP) phải có thời hạn thì nay Thông tư 07 được “mở” hơn với loại hình kinh doanh karaoke không đặt ra thời hạn nữa nhưng phải thu lệ phí cấp GP khá cao. Theo dự thảo mức thu lệ phí cho cấp GP kinh doanh DVVH đưa ra tham khảo ý kiến các địa phương đầu tháng 11/2011 của Bộ Tài chính chỉ đưa ra 2 mức thu: Khu vực đô thị, với vũ trường 12 triệu đồng/GP; karaoke 10 triệu đồng/GP.

Các khu vực khác, kể cả miền núi: vũ trường 10 triệu/GP; karaoke 5 triệu đồng/GP. Nhận thấy dự thảo mức thu của Bộ Tài chính đưa ra trên đây là quá cao và bất hợp lý, trong tháng 11/2011, Sở VH-TT-DL Nghệ An đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính nên đặt ra 3 mức thu dựa trên thực tế số phòng hát mới hợp lý. Cụ thể Sở VH-TT-DL đề nghị với khu vực đô thị: karaoke từ 1-5 phòng: 4 triệu đồng/GP, từ 6 - 10 phòng: 7 triệu đồng/GP, từ 11 phòng trở lên: 10 triệu đồng/GP (đây cũng là mức thu với vũ trường); các địa bàn khác, từ 1 - 5 phòng: 2 triệu đồng/GP, từ 6 - 10 phòng 4 triệu đồng, từ 11 phòng trở lên: 6 triệu đồng/GP (áp dụng cả cho vũ trường). Một điểm khác nữa là trước đây có thể “chậm” đăng ký kinh doanh vẫn được cơ quan văn hoá cấp phép hoạt động thì nay bắt buộc phải đăng ký kinh doanh (vũ trường hoặc karaoke) rồi mới cấp GP hoạt động.

Thời gian qua trên địa bàn Nghệ An, hoạt động kinh doanh karaoke diễn ra khá phức tạp, số điểm kinh doanh phát triển nhanh nhưng số phòng đảm bảo quy định chưa cao. Cụ thể như toàn tỉnh hiện có hơn 400 điểm kinh doanh karaoke (792 phòng), trong đó lớn nhất là TP Vinh (63 điểm), Quỳnh Lưu (61 điểm), Cửa Lò (29 điểm), Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu cùng có 23 điểm, Diễn Châu, Tương Dương có 20 điểm, Thị xã Thái Hoà 17 điểm…

Tuy vậy, số điểm có từ 6 phòng trở lên rất ít (chỉ có 13 điểm), từ 3 - 5 phòng có 20 điểm, còn lại chỉ từ 1 - 2 phòng. Số phòng không đảm bảo quy định về diện tích (trên 20 m2) chiếm tới 49%, số phòng chưa đảm bảo về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tới 23%, có tới 69% số điểm kinh doanh karaoke lâu nay chưa có giấy phép kinh doanh mà vẫn hoạt động. Điều đáng nói nữa là nhiều điểm karaoke còn biến tướng thành quầy ba, vũ trường con… mở nhạc inh tai gây mất trật tự địa bàn, thậm chí không ít điểm karaoke còn phát hiện là điểm sử dụng chất ma tuý, mại dâm, tụ tập uống rượu say… nhưng số bị xử lý thời gian qua còn thấp. Chắc chắn thời gian tới cùng với việc quản lý bằng cấp phép có thu lệ phí, lĩnh vực kinh doanh karaoke sẽ được thắt chặt hơn, lành mạnh hơn.

Một lĩnh vực quản lý được xem là nổi cộm nhất lâu nay đó là quảng cáo ngoài trời. Để góp phần chấn chỉnh trong lĩnh vực này, ngày 11/3/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo ngoài trời kèm theo QĐ số 664/QĐ.UBND.VX. Lâu nay có thực trạng khá phổ biến về quảng cáo ngoài trời là vi phạm về hình thức và nội dung quảng cáo, thời gian, địa điểm quảng cáo. Cụ thể như sai phạm phổ biến nhất là đặt biển hiệu vi phạm hành lang ATGT bị thu giữ khá nhiều, băng rôn quảng cáo thương mại cũng treo qua đường, quá thời hạn quảng cáo không được tháo gỡ trả lại cảnh quan, thậm chí bị gió bão làm hư hỏng không được tháo gỡ làm mất mỹ quan đô thị.

Nay theo quy định mới vai trò của cơ quan văn hoá cơ sở được đề cao, từ kiểm tra xét cấp phép quảng cáo ngoài trời đến việc xử lý vi phạm đòi hỏi cán bộ quản lý văn hoá cơ sở phải chặt chẽ, nghiêm minh. Phòng văn hoá TP Vinh có sáng kiến khi xét cấp phép quảng cáo ngoài trời bắt buộc đơn vị xin cấp phép phải nộp ký quỹ một khoản tiền để có thể thuê tháo gỡ nếu quá hạn đơn vị đó không chịu tháo gỡ, nên đã khắc phục tình trạng mất mỹ quan đô thị do các quảng cáo ngoài trời để quá hạn hoặc bị gió bão hư hỏng. Nêu dẫn chứng nhỏ này chúng tôi muốn nói thêm rằng, dù đã có nhiều quy định mới nhưng trong hoạt động văn hoá và DVVH, vai trò của tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng quản lý của mình là mang tính quyết định.


Mai Hồ Minh