(Baonghean) - Thời gian qua, việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ mang tính chất đơn lẻ theo ngành, lĩnh vực, thiếu đi những chiến lược, quy hoạch đồng bộ và nhất quán cho từng vùng đã dẫn đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường vùng đới bờ chưa thật sự hiệu quả. Từ thực trạng nêu trên đặt ra vấn đề tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Việc chặt phá rừng ven biển; khai thác hải sản bằng các biện pháp dùng thuốc nổ, lưới mắt nhỏ là nguy cơ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên. Việc phát triển thiếu đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các hoạt động  sản xuất, kinh doanh, khai thác các dịch vụ du lịch, xây dựng đô thị...; thiếu các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, cũng đã, đang đặt ra những thách thức liên quan đến suy thoái môi trường, tài nguyên và phát triển bền vững vùng đới bờ.

Thực tế cho thấy vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách thể chế pháp luật trong công tác quản lý đới bờ; bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên – môi trường biển, hải đảo bất cập (hiện tại, Việt Nam đang có 13 đơn vị, bộ, ngành liên quan đến việc quản lý biển theo các ngành chức năng, theo lãnh thổ và quản lý tổng hợp). Quản lý biển theo chuyên ngành, theo truyền thống đã gặp rất nhiều khó khăn trong sự hợp tác, nhiệm vụ chồng chéo, cấu trúc hệ thống quản lý chưa hòan chỉnh, phân tán, lãng phí về tài chính, nhân lực, khó khăn thu hút cộng đồng tham gia và hiệu quả không cao. Mặt khác, việc quản lý lâu nay của Việt Nam cũng chưa thể hiện sự sẻ chia, cùng gánh vác trách nhiệm trước những vấn đề sống còn và cùng giải quyết những thách thức của nhân loại trên toàn cầu.  

image_6033152.jpgPhát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích các ngành phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Nga
 
Từ thực trạng nêu trên đặt ra vấn đề tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ biển là yêu cầu cấp bách hiện nay. Cách tiếp cận đa ngành và tổng hợp này được thiết kế để hướng dẫn hài hòa các hoạt động của hai hoặc nhiều ngành kinh tế trong việc quy hoạch và quản lý. Những vấn đề cần quan tâm, đó là tăng cường công tác bảo vệ môi trường du lịch biển, bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi biển. Quan tâm đặc biệt đến phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ. Quản lý chặt chẽ và xử lý đúng quy trình rác thải, nước thải sinh hoạt. Phát triển du lịch biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự đa dạng sinh học biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển....
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, quan tâm quy hoạch, điều chỉnh các hoạt động trong nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản vùng đới bờ, hạn chế những tác động tiêu cực đến tài nguyên – môi trường biển. Ngoài ra, đó còn là sự phát triển hợp lý về cảng biển và giao thông đường thủy; phát triển công nghiệp ven bờ, đô thị hóa… Đặc biệt là cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc tạo ra công cụ, phương pháp, con người để hỗ trợ, phát triển vùng đới bờ, góp phần bảo vệ tài nguyên - môi trường biển nói chung.
 
Như vậy, chương trình quản lý tổng hợp đới bờ biển ra đời nhằm khắc phục những bất cập do phương thức quản lý đơn ngành, riêng rẻ đã tồn tại trong những năm qua; nhằm thoả mãn nhu cầu phải điều hoà, cân bằng giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng, phòng ngừa thiên tai, đến việc bảo vệ, duy trì những chức năng sinh thái học của đới bờ biển. Việt Nam hiện đang thực hiện cam kết với các chương trình phát triển quốc tế và đã tiến hành một loạt các hành động cụ thể như chuẩn bị các kế hoạch sử dụng biển và vùng ven biển, đánh giá tác động môi trường và triển khai các chương trình giám sát, lập kế hoạch phòng ngừa những tai biến thiên nhiên và tai biến do con người gây ra.
 
Việt Nam cũng đã chú trọng đưa những kiến thức sinh thái và sự hiểu biết về các hệ thống giá trị xã hội và văn hóa truyền thống vào quản lý đới bờ và đưa các cộng đồng địa phương cùng tham gia vào quá trình quản lý. Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành gần 50 văn bản khung pháp lý bảo vệ môi trường biển và phòng chống ô nhiễm biển. Một loạt chương trình trong nước và hợp tác quốc tế về QLTHĐB giữa Việt Nam với Thuỵ Điển, Ấn Độ, Hà Lan… đã được triển khai. Trong chính sách của mình, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển do các nguồn ô nhiễm từ cả nội địa ra và ngoài biển vào. Các lĩnh vực được ưu tiên là tăng cường quy hoạch phát triển và quản lý, phòng, chống ô nhiễm: kiểm soát nước thải, quản lý các lưu vực sông, đới ven bờ, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải nội địa và kiểm soát các nguồn thải chất hóa học do con người, kiểm soát các hoạt động quá mức như nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch biển, …, bảo vệ đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích nghi với hiện trạng khí hậu toàn cầu thay đổi …  
 
Cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong quá trình quản lý tổng hợp đới bờ, Việt Nam đang tập trung ưu tiên quản lý 4 vấn đề, đó là quản lý dân số; quản lý sử dụng đới bờ và các chức năng sinh thái của nó; quản lý những tác động ảnh hưởng đến con người; quản lý hành chính. Ở đây, cần nhấn mạnh không phải tất cả các vấn đề cần quản lý đều có thể giải quyết được ngay mà đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Trên cơ sở những đòi hỏi về quản lý đới bờ biển, theo các chuyên gia, mô hình quản lý tổng hợp đới bờ nhằm đề xuất một khung thể chế có khả năng vận hành chương trình quản lý phát triển biển và vùng bờ của Việt Nam một cách bền vững.
 
Trong đó vấn đề cần quan tâm trước mắt là củng cố quy hoạch và quản lý đa ngành; đẩy mạnh sử dụng hợp lý nguồn lợi biển và vùng ven bờ, duy trì các chức năng sinh thái của các hệ, bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì năng suất của các loài và các môi trường sống của chúng; đề phòng, thích ứng và giảm thiểu các tác động của thiên tai. Để thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp đới bờ cần có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, các tổ chức xã hội từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo và đáp ứng được một cách tổng thể các hoạt động từ sắp xếp, cải cách thể chế và tổ chức để tạo mọi điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động quản lý; khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào việc làm thay đổi hành vi và nhận thức của con người, thực hiện các công cụ chính sách, các điều luật và động cơ theo cơ chế thị trường; tăng cường sự tham gia và đầu tư trực tiếp của Chính phủ.... 
 
Quản lý tổng hợp đới bờ là một phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Bởi vậy, phạm vi tác động bao gồm lồng ghép các hoạt động của các ngành, các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau trong vùng bờ để giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong sử dụng tài nguyên và môi trường, hạn chế các tác động tiêu cực từ các hoạt động của mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương tại vùng đới bờ, góp phần bảo vệ tài nguyên - môi trường, giảm nhẹ thiên tai, duy trì các quá trình sinh thái chủ yếu, các hệ sinh thái đặc trưng, và đa dạng sinh học. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng mỗi cấp, mỗi ngành mà cần chung tay hành động của cộng đồng vì sự phát triển chung bền vững.
 
 
Minh Chi