Giáo sư tại trường Harvard này nêu rõ: “Bất kể thăng trầm, mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc vốn dĩ ổn định, đóng góp to lớn cho giai đoạn suôn sẻ hơn của các vấn đề quốc tế trong thời kỳ cuối cùng của Chiến tranh Lạnh và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”. Giáo sư Westad nhận định, mối quan hệ song phương vững mạnh về tổng thể giữa Washington và Bắc Kinh cũng góp phần to lớn cho khu vực.
Ông Westad chia sẻ: “Mặc dù khó khăn vẫn tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên và nhiều nơi khác, song nói chung, Đông Á vẫn là khu vực ổn định và thịnh vượng, và sự hợp tác Trung-Mỹ đóng vai trò quan trọng cho điều này”.
Cũng theo Giáo sư Westad, so sánh sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh với “Chiến tranh Lạnh mới” là phép so sánh sai lầm về mặt lịch sử và là sự làm biếng về mặt thuật ngữ.
Theo ông Westad, sự cạnh tranh giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ hoàn toàn khác với phạm vi và quy mô cạnh tranh toàn cầu giữa Washington và Moskva cùng với sự ủy nhiệm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Giáo sư Westad nhấn mạnh, chiến tranh xảy ra bởi mọi người đều nói về nó, và mặc dù đây có thể là một giải pháp song cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rõ cái giá phải trả và hậu quả thảm khốc của một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai bên.
Ông Westad khẳng định: “Các cường quốc lớn cạnh tranh với nhau, và đây là điều chúng ta học được từ lịch sử, nhưng vấn đề ở đây là kiểu cạnh tranh sẽ như thế nào, và lĩnh vực nào hai bên có thể hợp tác, đó mới là điều quan trọng nhất. Bức tranh toàn cảnh là còn rất nhiều tiềm năng cho Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong một số vấn đề quan trọng, và chính sách can dự sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên”.
Giáo sư Westad kết luận, Mỹ và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn từ khoảng cách rất lớn vào năm 1979, không phải vì họ nhất trí mọi thứ mà bởi họ thảo luận các vấn đề và hợp tác thiết thực theo một cách tiếp cận thực tế.