“Thay lái giữa dòng”
Cuộc gặp ba bên Trung - Hàn - Nhật diễn ra trong bối cảnh không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đang “nín thở” chờ đợi “món quà Giáng sinh” mà Triều Tiên hứa hẹn sẽ gửi tới Mỹ. Triều Tiên đã từng nhiều lần thể hiện sự thất vọng khi việc kiềm chế thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân của quốc gia đã không thể giúp họ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Vì thế, Triều Tiên đã đặt ra thời hạn chót là ngày 31/12 để Mỹ đưa ra các bước đi nhượng bộ, nhưng phía Mỹ vẫn không hề lay chuyển.
“Món quà” mà Triều Tiên gửi tới Mỹ sẽ là cột mốc chấm dứt các cam kết Triều Tiên cố gắng tuân thủ trong suốt một năm rưỡi qua.
Ngay trong ngày Chủ nhật (22/12), sau cuộc họp mở rộng của Ủy ban Quân sự Trung ương, Triều Tiên tuyên bố đã “chuyển sang một con đường mới” trong đàm phán với Mỹ, làm dấy lên đồn đoán rằng Triều Tiên sẽ sớm công khai “món quà” gửi tới Mỹ chỉ trong hôm nay hoặc ngày mai. “Món quà” mà Triều Tiên gửi tới Mỹ chắc chắn không đơn giản là một vụ thử vũ khí như đã từng diễn ra trong nhiều tháng trở lại đây, mà sẽ là cột mốc chấm dứt các cam kết Triều Tiên cố gắng tuân thủ trong suốt một năm rưỡi qua, mang theo nỗi ám ảnh về cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Triều Tiên như đã diễn ra trong năm 2017.
Cùng với tuyên bố không chấp nhận bất cứ thời hạn chót nào mà Triều Tiên đưa ra, phía Mỹ hiện nay gần như “án binh bất động”. Theo giới phân tích, chờ đợi một cách thụ động và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó là lựa chọn khả thi nhất của Mỹ lúc này, bởi điều kiện hiện nay không cho phép Mỹ nhượng bộ hoặc tiến hành các bước đi quân sự cứng rắn. Dù vậy, phía Mỹ cũng nhận thấy rằng, đằng sau việc liên tục gây sức ép của Triều Tiên vẫn là mong muốn được đàm phán. Chỉ có điều, Mỹ giờ đây khó có thể chìa bàn tay ra với Triều Tiên khi điều kiện đàm phán của Triều Tiên là Mỹ phải nới lỏng các lệnh trừng phạt trước.
Chính sự đóng băng trong quan hệ Mỹ - Triều khiến dư luận đổ dồn sự kỳ vọng sang Trung Quốc - quốc gia duy nhất được xem là có thể ảnh hưởng đến Triều Tiên ở thời điểm này.
Ngoài ra, khi đàm phán song phương Mỹ - Triều rơi vào bế tắc dù đã có bệ phóng rất thuận lợi là hai cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam, các cuộc gặp đa phương với sự dẫn dắt của Trung Quốc được xem là sẽ mở ra những giải pháp hiệu quả hơn.
Ngay Mỹ cũng nhận thấy cơ hội đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đang nằm trong tay Trung Quốc. Chính vì thế, trong chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần qua, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã ghé qua Bắc Kinh để thống nhất quan điểm về vấn đề Triều Tiên với các quan chức Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm thứ 6 tuần trước để đảm bảo rằng không có điều gì vượt ngoài tính toán của Mỹ được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn ngày hôm nay. Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thống nhất với Tổng thống Donald Trump về việc sẽ thúc đẩy các giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Giống như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hiểu được vai trò của Trung Quốc để “giải bài toán khó” mang tên Triều Tiên. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh rằng sự đình trệ trong đối thoại Mỹ - Triều và bầu không khí đang dần “tăng nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên không có lợi cho tất cả các nước trong khu vực, vị thế Hàn Quốc mong muốn cùng với Trung Quốc và Nhật Bản tìm ra lời giải cho “bài toán khó” này.
Đi tìm tiếng nói chung
Đúng như nhận định của ông Moon Jae-in, việc bùng nổ xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp tới các quốc gia láng giềng là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, cả ba quốc gia được đánh giá là đang “ngồi chung thuyền” với “người chèo lái” là Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là ba quốc gia đang theo đuổi cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề này: Nhật Bản lâu nay vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, đó là gây sức ép thông qua các biện pháp trừng phạt; Hàn Quốc dù rất muốn theo đuổi chiến lược mềm dẻo với Triều Tiên nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào chính sách của đồng minh Mỹ - nếu Mỹ quyết “rắn” thì Hàn Quốc cũng không thể “mềm”; trong khi đó, Trung Quốc dù không chính thức thừa nhận nhưng vẫn luôn được coi là “người bảo trợ thầm lặng” của Triều Tiên, thể hiện qua việc Trung Quốc và Nga vừa qua đã cùng nhau đề xuất một nghị quyết nới lỏng các lệnh trừng phạt với Triều Tiên - dù đề xuất này không nhận được sự tán thành của Mỹ.
Theo giới phân tích, Triều Tiên chắc chắn sẽ là chương trình nghị sự gai góc nhất trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Thành Đô. Thành công của cuộc gặp này phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận của mình hay không, nói cách khác là có thể thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản mạnh dạn “làm trái ý” của Mỹ hay không.
Trong bối cảnh mà Mỹ đang có rất ít lựa chọn với Triều Tiên, khi thời điểm kết thúc năm 2019 đang tới gần, Trung Quốc có thể tiến một bước xa hơn là thông qua Nhật Bản và Hàn Quốc tác động ngược trở lại Mỹ, để Mỹ có thể ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề Triều Tiên tại các diễn đàn đa phương, quan trọng nhất là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chính thức thông báo ngay về một giải pháp đối với vấn đề Triều Tiên sau cuộc gặp tại Thành Đô là rất khó, bởi bản thân Triều Tiên và Mỹ cũng rất khó có thể công khai thừa nhận sự bất lực trong việc trực tiếp làm việc với nhau mà phải thông qua các đối tác trung gian. Nhưng theo giới phân tích, đôi khi các hoạt động ngoại giao không chính thức lại có hiệu quả hơn nhiều so với các cuộc gặp được “tiền hô hậu ủng”, và đây chính là cách mà Trung Quốc có thể tác động tới Triều Tiên, với sự trợ giúp của Nhật Bản, Hàn Quốc.