Tờ Politico của Mỹ mới đây đã đăng một bức thư ngỏ với tiêu đề “Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chính sách của chúng ta đối với Nga” của 103 chính trị gia, nhà ngoại giao và chuyên gia, kêu gọi chính quyền thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga. Các nhà ngoại giao đặt ra câu hỏi, vì sao giữa hai quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng đối với thế giới lại không thể có mối quan hệ ngoại giao song phương “một cách bình thường”. Bởi điều này có thể khiến hai bên “hủy diệt lẫn nhau và toàn bộ nền văn minh nhân loại trong 30 phút”.

Một Nga nhất quán

Mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên tồi tệ nhất kể từ năm 1985. Những cáo buộc về sự can thiệp của Moskva vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và nỗ lực tiếp tục gây ảnh hưởng đến chiến dịch bầu cử năm 2020, đã khiến Nga trở thành một vấn đề quốc nội độc hại của Mỹ. Việc sáp nhập Crimea cùng với sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, và chính quyền Nicolas Maduro của Venezuela là những đòn giáng mạnh với Mỹ.

image_565646_1182020.jpgTổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7/2018. Ảnh Reuters

Giới “diều hâu” và Quốc hội Mỹ đều theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt và trục xuất các nhà ngoại giao. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ tuyên bố Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh. Vào thời điểm nồng ấm nhất, quan hệ Mỹ-Nga là sự pha trộn giữa hợp tác và cạnh tranh, thế nhưng ngày nay phần lớn là đối địch. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, áp dụng biện pháp trừng phạt với Nga không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí Mỹ còn tự khiến mình bị tổn hại, bởi lẽ “Moskva xem các lệnh trừng phạt này là vĩnh viễn”.

Donald Trump không phải tổng thống đầu tiên bước vào Nhà Trắng với niềm tin rằng có thể thay đổi căn bản mối quan hệ với Moskva, nhưng ý tưởng này là điều hoàn toàn phi thực tế. Thế giới quan địa chính trị của Nga vẫn nguyên vẹn và cách tiếp cận của Nga đối với Mỹ vẫn nhất quán, khi dường như ngày càng đối đầu với Mỹ trên nhiều mặt trận.

Ivan Timofeev, Giám đốc Câu lạc bộ Valdai nhận định: “Với Nga, Mỹ không có gì ngoài các lệnh trừng phạt và luận điệu ngoại giao chống Nga. Những điều này không mang lại kết quả tốt đẹp, mà còn khiến bế tắc. Washington chợt nhận ra rằng bằng cách nào đó cần thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, họ đã đánh mất đi phần lớn thời gian”. Còn Susan Gordon, cựu phó giám đốc tình báo quốc gia cho rằng, quan điểm của Tống thống Trump là “cần Nga” để không trở thành kẻ thù, để Trump không cần đối phó về mặt quân sự, không phải chi thêm ngân sách cho những nơi mà Trump không muốn, và để không tạo ra mặt trận đối đầu.

Hai nhà lãnh đạo Putin và Trump có cuộc hội đàm 80 phút bên lề Hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: TASS

Có lẽ, Mỹ đã có những nỗ lực nghiêm túc nhằm cứu vãn mối quan hệ đổ vỡ với Điện Kremlin. Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ liệu có thể nhượng bộ Nga đến đâu?!

6 đề xuất được đưa ra trong bức thử ngỏ bao gồm: loại bỏ sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử Mỹ; khôi phục các mối quan hệ ngoại giao bình thường với Nga; đảm nhận vai trò lãnh đạo kép với Moskva trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân; tập trung vào “trục tam giác” Washington-Moskva-Bắc Kinh; tháo gỡ những bất đồng tại các khu vực Ukraine, Syria; đánh giá lại chiến lược trừng phạt của Washington và cần phải thay đổi để có thể nới lỏng nhanh chóng và đưa Nga trở lại các cuộc đàm phán. 

Nhiều thách thức trong mối quan hệ

Trong mối quan hệ song phương Mỹ-Nga, vấn đề cấp bách nhất hiện lại chính là số phận của Hiệp ước NEW START về vũ khí tấn công chiến lược, sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Cả Mỹ và Nga đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, do đó, cơ chế kiểm soát vũ khí chỉ còn biết mong đợi vào NEW START. Nếu không được gia hạn, sẽ không có gì giới hạn được kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga - những quốc gia sở hữu 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, đồng nghĩa với việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang nghiêm trọng trong tương lai.

Trục tam giác Mỹ, Nga, và Trung Quốc được xem là thách thức lớn đối với chính quyền Mỹ. Ảnh: CNN

Giải quyết xung đột ở Ukraine vẫn sẽ là một điều khó khăn. Mặc dù Mỹ không nằm trong “Định dạng Normandy”, không thể thay thế Đức, Nga và Ukraine đưa ra giải pháp chấm dứt xung đột vũ trang, song Washington vẫn giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình và hỗ trợ Ukraine.

Mối quan hệ ngày càng gần gũi, ấm nồng giữa Nga và Trung Quốc trở thành thách thức lớn đối với Mỹ. Mặc dù Washington rất khó có thể kéo Moskva ra khỏi Bắc Kinh, song Mỹ không nên theo đuổi các chính sách khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, chẳng hạn như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và các lệnh trừng phạt chống Nga.

Mỹ cần nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã tác động lớn đến nền kinh tế của Nga, nhưng lại không khiến Nga thay đổi quan điểm về Ukraine. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt như đối với Dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” chỉ khiến tác động xấu đến các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, trong khi không gây ảnh hưởng nhiều tới Nga. Dự án này gần như chắc chắn sẽ được hoàn thành. Thực tế, các biện pháp trừng phạt là công cụ đáp trả thẳng thừng, nhưng lại không thể khiến Nga thay đổi các chính sách của mình. Do đó, Mỹ nên đánh giá lại hiệu quả của công cụ đó và tầm ảnh hưởng đến những động thái của Nga.

Các chuyên gia cho rằng những biện pháp trừng phạt chống Nga của Mỹ không mang lại hiệu quả. Ảnh minh họa internet

Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để Mỹ thu hẹp khoảng cách với Nga bằng cách cùng tác chiến, chống lại khủng hoảng này. Tuy nhiên, để phát triển mối quan hệ hiệu quả hơn với Nga vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ. Washington và Moskva có những quan điểm khác nhau về vị trí của nhà lãnh đạo thế giới. Dưới thời Tổng thống Putin, Nga trở lại trường quốc tế như một người chơi toàn cầu, tạo ra một thế giới mới “hậu phương Tây”. Trong khi đó, Mỹ là người chơi quyền lực, song lại đang dần đánh mất vị thế lãnh đạo của mình.

Moskva tìm kiếm sự công nhận của Washington về phạm vi ảnh hưởng của mình. Cho đến nay, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, chưa có chính quyền Mỹ nào sẵn sàng chấp nhận tiền đề này!