Có thể kể đến việc tăng cường sức mạnh quân sự và hiện diện ở phía Tây áp sát các nước NATO, tiến hành tập trận quy mô lớn tại Biển Đen với sự tham gia của hàng chục tàu chiến; đặc biệt là triển khai các tổ hợp tên lửa phòng thủ S-400 và tổ hợp vũ khí siêu thanh ở Bắc Cực - điểm nóng cạnh tranh mới giữa các nước lớn. Theo giới quan sát, chưa bao giờ, Mỹ lại cảm thấy bị “lép vế” và lo lắng trước Nga tại Bắc Cực như hiện nay.
BẤT CÂN XỨNG
Việc Nga tăng cường quân sự tại Bắc Cực không có gì là mới, bởi chiến lược Bắc Cực của Nga vốn đã được định hình và triển khai từ lâu. Chỉ có điều, trước diễn biến quá nhanh của biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên khổng lồ trong lòng Bắc Cực ngày càng được phát lộ, khu vực này đang trở thành điểm nóng địa chiến lược mới để các ông lớn “xâu xé”. Mỹ cũng đã sớm nhận ra được tầm quan trọng của khu vực này khi cuối năm ngoái công bố một báo cáo chiến lược riêng về Bắc Cực tại Hội thảo an ninh Đại Tây Dương. Đáng chú ý nhất, bản báo cáo đã xác định rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực cũng như các mối đe dọa tại khu vực này. Thậm chí, chính quyền Mỹ cũng đề xuất tăng cường hợp tác với Canada để giám sát các tuyến đường biển và đường hàng không ở Bắc Cực. Thực tế, bước đi này là nhằm theo dõi các hoạt động của Nga như các máy bay ném bom hay tên lửa hành trình của Moscow.
Loạt động thái này của Mỹ nhằm đáp lại việc Nga thời gian qua đẩy mạnh “mọi mặt trận” để quyết khống chế các tuyến hàng hải ở Bắc Cực, nhằm chặn Mỹ và NATO can dự vào khu vực mà Nga coi là “sân nhà”. Mới đây, Phó Đô đốc của Nga Alexander Moiseev thông tin cho biết, Hạm đội phương Bắc tại Bắc Cực sẽ sớm nhận được vũ khí siêu thanh, giúp tăng cường tiềm lực chiến đấu của lực lượng hải quân. Trước đó hồi năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã từng giới thiệu về các tổ hợp vũ khí siêu thanh chiến lược Avangard, Kinzhal và Zircon. Trong khi đó, các căn cứ không quân Thule và Greenland của Mỹ tại Bắc Cực bị đánh giá là không có khả năng chống lại hệ thống tên lửa Kinzhal của Nga. Chưa hết, mới đây, các tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 đã lần lượt xuất hiện trên các đảo thuộc Nga ở Bắc Cực. Giới chuyên gia quân sự phân tích, S-400 của Nga vượt trội hơn so với hệ thống MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ về mọi thông số, như thời gian triển khai chiến đấu, tầm bắn hay cự ly phát hiện mục tiêu… Quan chức cấp cao trong Hội đồng Bắc Cực của Nga Korchunov không ngại tuyên bố, việc Moscow hiện đại hóa lực lượng vũ trang hay luyện tập chiến đấu, huấn luyện ở Bắc Cực hoàn toàn mang tính phòng thủ.
Về dài hơi, Nga còn đang đẩy nhanh chiến lược chế tạo các thế hệ tàu mặt nước và tàu ngầm mới, tăng cường sức mạnh các vũ khí để có thể tiêu diệt các mối đe dọa. Dự kiến, các tàu thế hệ mới này sẽ hoàn thành sớm nhất là vào năm 2025 theo hướng mô hình “tàu hạt nhân đa năng”, tích hợp khả năng sử dụng tên lửa. Chính điều này làm nên sự khác biệt của hải quân Nga so với chiến lược phát triển tầu ngầm hạt nhân của phương Tây.
LIÊN THỦ LỢI ÍCH
Không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ, Nga còn nhân đôi thách thức với Mỹ khi có nhiều tín hiệu cho thấy mối liên minh Nga - Trung tại Bắc Cực đang dần định hình. Về phía Trung Quốc, nước này khá “nhanh chân” nhìn thấy các lợi ích địa chiến lược của Bắc Cực, sớm tuyên bố là “một quốc gia cận Bắc Cực”, có mối quan tâm đến khu vực này. Nhìn lại năm 2018, chính quyền Bắc Kinh ban hành “Chính sách Bắc Cực” như một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Đến tháng 10 năm ngoái, tàu phá băng đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ cho dự án nghiên cứu Bắc Cực. Giới quan sát bình luận, cách tiếp cận theo hướng nghiên cứu khoa học và hợp tác kinh tế của Bắc Kinh được cho là “khôn ngoan”, vừa không gây hấn vừa tranh thủ sự hợp tác với Nga. Tất nhiên, Nga cũng hiểu rằng, tiềm năng của Bắc Cực là rất lớn, hợp tác và chia sẻ lợi ích với Trung Quốc là chấp nhận được. Đặc biệt khi cả hai có thể cùng “liên thủ” để ứng phó với Mỹ.
Thế nhưng trong phản ứng của mình, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và khẳng định, chỉ có các quốc gia Bắc Cực và không phải Bắc Cực. Và rằng, không có chuyện tồn tại khái niệm thứ 3 là “cận Bắc Cực”. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh, Mỹ đang điều chỉnh các chính sách về Bắc Cực để đáp lại “tham vọng của Nga và Trung Quốc muốn thách thức Mỹ và phương Tây”. Cần nhắc lại, Bắc Cực hiện được quản lý bởi 8 nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, gồm có: Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển.
Bất chấp phản ứng của Mỹ, chính quyền Nga hiểu rằng, “bắt tay” Trung Quốc là con bài chiến lược nhiều lợi ích tại Bắc Cực giai đoạn hiện nay. Nhìn lại thời gian qua, hai nước đã có những hợp tác ban đầu hiệu quả, như Nga tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng Trung Quốc cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal của Công ty Novatek, khi nguồn tài trợ từ phương Tây bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt liên quan đến bán đảo Crimea. Nhờ đầu tư mạnh tay, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã giành được gần 30% cổ phần dự án lớn hàng đầu thế giới này.
Trở lại với những bước đi quân sự của các bên. Hiện Hạm đội phương Bắc của Nga duy trì 6 căn cứ quân sự, 10 sân bay và cảng quân sự, nhiều hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới. Còn với Mỹ, tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, 3 tàu khu trục Aegis gồm: USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt đã đi vào vùng biển Barents. Chưa có bất kỳ va chạm nào xảy ra giữa các bên, thế nhưng sẽ là rất mạo hiểm khi Mỹ có động thái nào đó mang tính “gây hấn” với Nga liên quan đến tuyến đường biển phương Bắc. Bởi với Nga, Bắc Cực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mọi mặt!
Dù vậy theo giới quan sát, có thể chưa thể có các “va chạm nóng” nhưng tình hình an ninh tại khu vực sẽ không thể êm đềm như trước. Bất chấp các nước còn đang chật vật đối phó với dịch Covid-19, Mỹ phải “phân tán” sự chú ý cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng như cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm, một cuộc chạy đua vũ trang, tăng cường hiện diện quân sự dự báo sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong thời gian tới đây./.