Phía Hàn Quốc cho biết đã phát hiện các địa chỉ giao thức Internet có mã độc từ Triều Tiên tấn công các tập đoàn, cơ quan chính phủ của nước này.

Những căng thẳng trong quan hệ hai miền Triều Tiên lại bị đẩy thêm những nấc thang mới khi phía Hàn Quốc hôm qua (13/6) lên tiếng cáo buộc Triều Tiên tấn công nhằm vào hơn 140.000 máy tính tại các tập đoàn lớn và cơ quan chính phủ của Hàn Quốc.

Mặc dù phía Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này, song các cuộc tấn công mạng một lần nữa đang trở thành nguy cơ khiến cho “khủng hoảng trong quan hệ liên Triều” không thể tìm ra lối thoát.

images1583512_han_trieu_vllv.jpgQuan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên lại căng thẳng vì vấn đề an ninh mạng. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Hãng tin Yonhap dẫn lời nguồn tin cảnh sát Hàn Quốc cho biết, mạng nội bộ của của 2 tập đoàn viễn thông khổng lồ SK Group và Tập đoàn Hanjin đã bị xâm nhập, hơn 42.000 tài liệu, trong đó có nhiều thông tin quân sự mật bị lấy cắp và xóa dữ liệu.

Nguồn tin này cũng cho hay, trong số hơn 42.000 tài liệu nghi ngờ bị “tấn công đột nhập” có bản đồ thiết kế cánh của chiến đấu cơ F-15 của Mỹ và các bộ phận của máy bay không người lái trên độ cao trung bình. Tuy nhiên, cảnh sát Hàn Quốc cũng xác nhận chưa có thông tin quan trọng nào bị xâm nhập có khả năng đe dọa trực tiếp tới an ninh Hàn Quốc.

Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc khẳng định đã phát hiện các địa chỉ giao thức Internet có mã độc truy nguồn từ Triều Tiên tấn công vào các địa chỉ mạng của các tập đoàn và cơ quan chính phủ của Hàn Quốc.

Trước đó, hồi tuần trước, cảnh sát Hàn Quốc cũng đưa ra cáo buộc Triều Tiên đã gửi một số lượng lớn email nhiễm độc nặc danh cho người Hàn Quốc, đặc biệt là cho các nhà báo và giới chuyên gia.

Phía Triều Tiên đã ngay lập tức bác bỏ những cáo buộc này của phía Hàn Quốc, đồng thời gọi đây là “sự bịa đặt nhảm nhí”. Tờ Rodong Simmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên viết: "Đây là cáo buộc nhảm nhí của các thế lực thù địch, những kẻ mà đầu óc chỉ nghĩ đến đối đầu và vu cáo chính trị”.

Báo trên cũng cho rằng, Hàn Quốc  đang "bịa đặt" ra các mối đe dọa để tìm kiếm sự ủng hộ cho một dự luật chống khủng bố mạng, theo đó cho phép Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) tăng cường giám sát trên mạng Internet.

Đây không phải là lần đầu tiên, quan hệ liên Triều bị thổi bùng bởi “cuộc chiến tranh mạng”. Từ năm 2013, chiến tranh mạng đã “đóng góp” thêm một “hòn tá tảng” trong quan hệ vốn rất u ám giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Sự kiện ngày 20/3/2013, nhiều ngân hàng và hãng truyền thông của Hàn Quốc đã rơi vào hỗn loạn do tin tặc đánh sập hệ thống gồm 48.000 máy tính, trong chiến dịch có tên “Dark Seoul”. Kế đến, đêm trước Noel 2014, hệ thống máy tính của một nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc lại bị tê liệt do tin tặc xâm nhập. Nhóm tin tặc lần này cố ý đánh cắp dữ liệu, kể cả kế hoạch của nhà máy và thông tin cá nhân của nhân viên.

Những cáo buộc, nghi ngờ và cãi vã xung quanh vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng khi hồi tháng 4/2015, phía Hàn Quốc cho biết họ đã điều tra và có những chứng cứ rõ ràng về về những “mã độc” do tin tặc của Triều Tiên sử dụng trong các cuộc tấn công mạng.

“Cuộc chiến mạng” đang một lần nữa trở thành cái cớ để quan hệ liên Triều nổi sóng. Phát biểu trong cuộc họp ra mắt của các đại biểu Quốc hội mới của Hàn Quốc ngày 13/6, Tổng thống Park Geun-hye khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên, trong đó có mối đe hạt nhân và tên lửa cũng nhiều mối đe dọa khác.

Vụ việc cũng khiến các chính trị gia Mỹ lo ngại Bình Nhưỡng có thể mở rộng cuộc chiến mạng nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, giới chuyên gia tin học Hàn Quốc nhận định, các cuộc tấn công mạng đang trở thành vũ khí tiếp sau vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đưa ra để uy hiếp Hàn Quốc; đồng thời cảnh báo  khản năg Bình Nhưỡng đang đổ tiền đầu tư vào “chiến tranh mạng” vì chi phí rẻ hơn nhiều so với đầu tư vào những loại vũ khí thông thường.

Thêm vào đó, chiến tranh mạng có thể gây tổn hại nền kinh tế của Hàn Quốc một cách dễ dàng hơn. Báo cáo của viện kinh tế công nghiệp và thương mại Triều Tiên ước tính trong cuộc tấn công “Dark Seoul”, Hàn Quốc đã bị tổn thất khoảng 820 triệu USD. Báo cáo này dự đoán đến năm 2020, các cuộc tấn công mạng có khả năng gây tổn thất cho nền kinh tế Hàn Quốc đến 25 tỉ USD./.
 

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN