(Baonghean) - Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ không chỉ cho thấy mặt trái của văn hóa súng đạn ở “xứ cờ hoa” mà còn gia tăng nguy cơ đáng sợ khi những kẻ khủng bố phát triển và hoạt động ngay trong lòng nước Mỹ. Đây cũng là một thách thức còn dang dở mà Tổng thống Barack Obama khó giải quyết trong thời gian tại vị còn lại.

images1582731_anh_1___khung_bo.jpgChân dung nghi phạm Omar Mateen. Ảnh: Reuters.

Khó ngăn “sói đơn độc”

Xả súng không phải chuyện hiếm thấy ở Mỹ, tuy vậy, một vụ thảm sát bằng súng khiến 50 người thiệt mạng và có liên quan đến khủng bố lại là chuyện đáng bàn khi Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố khắp toàn cầu.

Trong vụ xả súng mới nhất tại hộp đêm của người đồng tính ở Orlando, hung thủ được xác định Omar Mateen, 29 tuổi, là công dân Mỹ gốc Afghanstan, sinh ra tại New York và sống tại Florida. Thù hận được xem là một động cơ tiềm tàng của vụ tấn công do gia đình Mateen xác nhận thủ phạm thù ghét người đồng tính.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trước lúc tấn công, Omar Mateen đã gọi vào số điện thoại khẩn cấp 911 của cảnh sát Mỹ, thề trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đề cập tới những kẻ đánh bom khủng bố tại Boston năm 2013.

Tên này cũng từng bị cơ quan an ninh thẩm vấn 3 lần về một số vụ việc liên quan đến khủng bố nhưng không bị giám sát hay điều tra trước vụ xả súng do thiếu chứng cứ. Giới chức Mỹ đang điều tra quan hệ giữa Mateen với IS do vụ xả súng có một số dấu hiệu tương đồng với các vụ tấn công do tổ chức này thực hiện tại Pháp và Bỉ mới đây.

Chi tiết đáng chú ý khác là chỉ ít giờ sau vụ xả súng, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết chưa có bằng chứng cho thấy nghi phạm Omar Mateen là thành viên IS. IS từng nhiều lần nhận trách nhiệm về các vụ khủng bố không liên quan gì tới chúng. Trong bối cảnh lực lượng này liên tiếp thất thế trên nhiều mặt trận ở Syria, Iraq và Lybia, tuyên bố nhận trách nhiệm có thể là một “đòn gió” của chúng.

Gia đình Mateen xác nhận thủ phạm thù ghét người đồng tính Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, nhiều nhà quan sát vẫn nghiêng về khả năng vụ tấn công của Mateen được thực hiện theo kiểu "con sói đơn độc" - kẻ tấn công hành động đơn thương độc mã để thể hiện sự ủng hộ với nhóm cực đoan dù không nhận được sự hỗ trợ từ một tổ chức khủng bố nào.

Đây rõ ràng là mối nguy hiểm khó lường cho an ninh nước Mỹ bởi những tên khủng bố đang sống, phát triển và hoạt động trong lòng nước này. Chúng vốn là những thanh niên bất mãn được “nhồi” thêm những tư tưởng cực đoan dễ dàng trở thành những tên khủng bố máu lạnh và hành động như Mateen. Và như thế, việc kiểm soát những phần tử này là nhiệm vụ không dễ dàng.

Thất bại của Tổng thống

Sau mỗi vụ xả súng, một vấn đề nhức nhối lại được mang ra mổ xẻ, đó là việc kiểm soát súng đạn. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói vụ thảm sát ở hộp đêm Orlando là lời nhắc nhở xa hơn cho thấy tại Mỹ việc sở hữu vũ khí và xả súng vào người dân dễ dàng như thế nào.

Một thống kê mới đây cho thấy phần lớn số súng được sử dụng trong 16 vụ xả súng gần đây nhất ở Mỹ (trong đó có 2 khẩu được sử dụng trong vụ khủng bố ở Orlando) được mua một cách hoàn toàn hợp pháp, dưới sự kiểm tra của cơ quan liên bang.

Mặc dù là người ủng hộ mạnh mẽ đạo luật kiểm soát và sở hữu vũ khí nhưng sau gần 2 nhiệm kỳ, những nỗ lực của ông Obama vẫn chưa đạt được kết quả gì đáng kể, nếu không muốn nói là thất bại.

Suốt 8 năm cầm quyền, ông Obama đã phải xuất hiện trước công chúng hơn chục lần vì các vụ xả súng. Ông từng gọi vụ xả súng vào trường tiểu học Sandy Hook khiến hơn 20 em nhỏ thiệt mạng là ngày đen tối nhất trong nhiệm kỳ. Nhưng nay mức độ và tính chất của vụ thảm sát ở Orlando còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Tuy vậy, ông Obama sẽ không còn nhiều cơ hội để thuyết phục quốc hội thông qua luật “kiểm soát súng đạn” chặt chẽ hơn mà ông đã kêu gọi suốt thời gian qua.

Cần phải nhắc lại rằng, súng đạn được coi là một phần của lịch sử và văn hóa Mỹ - đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới.

Tuy nhiên, nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua và quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác. Việc dễ dàng sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành phương tiện phạm tội của những phần tử cực đoan.

Tổng thống Obama phát biểu về vụ thảm sát hộp đêm tại Orlando, Florida. Ảnh: CNN.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng “kiểm soát” vũ khí, khi mà ngành công nghiệp súng đạn mang lại cho nền kinh tế Mỹ nguồn thu không hề nhỏ. Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ. Sau mỗi vụ xả súng, thay vì ủng hộ luật kiểm soát súng đạn, tổ chức này sẽ mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn với quan điểm cho rằng sở hữu vũ khí là cách để bảo vệ trước các nguy cơ tấn công.

Cứ như vậy, câu chuyện kiểm soát vũ khí ở Mỹ như một vòng luẩn quẩn không lối thoát và vì thế dù là một Tổng thống “không thích bạo lực” như nhiều người miêu tả, ông Obama cũng khó lòng thực hiện được những cải cách trong luật sở hữu súng đạn.

Rõ ràng, vụ xả súng đẫm máu ở Orlando lần này là một tai họa mới nhưng đặt ra những thách thức cũ mà có lẽ sẽ không dễ gì giải quyết với chính quyền Tổng thống Obama hay chính quyền mới sau năm 2016 này.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN