Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" (Phát biểu của Bác Hồ nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1964). Trong đó, "khó khăn nào cũng vượt qua" trở thành truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là một phẩm chất tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ.
Kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ
Trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kề vai sát cánh cùng toàn dân tộc, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dù phải đối mặt với những tên thực dân, đế quốc tàn bạo. Tinh thần bất khuất, kiên trung, không ngại khó khăn, gian khổ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ kế thừa và phát huy, làm cho bản chất và truyền thống cách mạng của Quân đội ta càng thêm sâu sắc, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng.
Đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh giúp Quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cách đây 75 năm, ngày 22/12/1944, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng của Đảng ta.
Ngay sau ngày thành lập, mặc dù chỉ được trang bị 2 súng ngắn, 17 súng trường và 14 mã tấu, song Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã khắc phục khó khăn, quyết tâm ra quân tiến công 2 đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944), Nà Ngần (ngày 26/12/1944) và giành thắng lợi, mở đầu cho truyền thống vượt khó đánh thắng trận đầu của QĐND Việt Nam.
Càng đánh càng lớn mạnh
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), mặc dù vũ khí trang bị của Quân đội ta còn thua kém địch gấp nhiều lần, bộ đội chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ, điều kiện thiếu thốn, cùng với toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ chỗ ban đầu, việc cung cấp lương thực, thực phẩm hoàn toàn dựa vào dân, bộ đội ta đã tích cực tăng gia sản xuất và tận dụng nguồn vật chất thu được của địch, từng bước giải quyết khó khăn về hậu cần cho LLVT.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và giành thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội, dân công và các lực lượng của ta phải vượt núi cao, rừng rậm, suối sâu, kéo pháo vào trận địa, vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Quân đội ta với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, liên tiếp đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ - ngụy, như: Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh". Ở miền Nam, các LLVT và nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, làm nên những chiến thắng vang dội, như: Ấp Bắc, Vạn Tường, Bàu Bàng, Plây-me, Đường 9-Nam Lào... Ngoài việc hành quân xa mang vác nặng cán bộ chiến sỹ LLVT tỉnh còn phải vượt qua nhiều địa hình khác nhau. Ảnh: Trọng Kiên
Nhờ đó, Quân đội ta càng đánh càng lớn mạnh, thực hiện tiến công quân địch rộng khắp ở cả 3 vùng chiến lược, rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị; quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của ta trên khắp các chiến trường đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, như trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX...
Tự lực, tự cường, lao động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ để nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại..., góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trên từng cương vị công tác, mỗi quân nhân phải nâng cao nhận thức, kiên định lập trường cách mạng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt chức trách được giao. Càng trong khó khăn, gian khổ, bản lĩnh chính trị, niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội càng phải được khẳng định, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.