“Mặc dù trước khi bổ nhiệm, cán bộ nào cũng cam kết có đủ sức khỏe để làm việc và cống hiến nhưng đến khi bị kỷ luật thì trình bày đủ thứ bệnh. Thậm chí, chỉ trong một vài tháng thôi mà tình trạng sức khỏe đã khác nhau rồi”.
Đây là ý kiến của Luật sư Phạm Ngọc Minh – Công ty Luật TNHH Everest khi trao đổi về câu chuyện cán bộ, quan chức “cáo bệnh” khi có dấu hiệu vi phạm.
Về một số trường hợp cán bộ, quan chức có dấu hiệu sai phạm bị điều tra là viện lý do đang nằm viện hoặc đi chữa bệnh, dưới góc nhìn của luật sư, ông có nhận định ra sao điều này?
Luật sư Phạm Ngọc Minh:Trước hết, việc bị mắc bệnh và đột nhiên phát hiện ra bệnh có thể coi là vấn đề khách quan, đặc biệt là khi tuổi cao. Bên cạnh đó, nhu cầu khám chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người bệnh. Đây là quyền hiến định của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh” (khoản 1 Điều 38).
Nói chung, cán bộ cũng như những người bình thường khác, đều có nhu cầu khám chữa bệnh và nhiều trường hợp bị phát bệnh đột xuất mà không biết trước.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn có thể có trường hợp việc phát bệnh là do “cố ý”, “sắp xếp” của một số cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ pháp luật có những quy định về việc tạm thời “dừng” việc truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu người đó mắc bệnh và cần phải điều trị.
Trong một số trường hợp, nếu có căn cứ chứng minh việc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đây cũng là một trong số những lý do dẫn tới việc cứ khi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức bị phát hiện thì một số người “đột nhiên” bị bệnh.
Có đại biểu Quốc hội đã phát biểu “tình trạng cán bộ công chức sai phạm cáo bệnh khá phổ biến hiện nay nhưng chưa có “thuốc” nào đặc trị”. Theo ông, phải chăng luật có kẽ hở?
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Về tình trạng cán bộ, công chức sai phạm "cáo bệnh" khá phổ biến hiện nay nhưng chưa có “thuốc” nào đặc trị, tôi phải khẳng định ngay kẽ hở không phải từ pháp luật mà là xuất phát từ ý thức pháp luật của cán bộ sai phạm và của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan.
Việc cáo bệnh là ý thức chủ quan của cán bộ sai phạm nhưng nếu người đó không được cung cấp các tài liệu xác thực việc có bệnh (Giấy khám sức khỏe, Giấy tờ nhập viện,…) thì cũng không có giá trị. Vậy tài liệu này từ đâu mà có? Ai là người có thẩm quyền cấp các giấy tờ này?
Thực tế, cứ mỗi khi có điều tra, làm việc của cơ quan có thẩm quyền thì một số cán bộ, công chức lại “cáo bệnh”, “cáo ốm”. Nếu như vậy thì có thể nói đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức có vấn đế.
Và hơn nữa, quy trình bổ nhiệm cán bộ, quy trình thi tuyển, xét tuyển công chức cũng lại có vấn đề theo. Trước khi bổ nhiệm, ai cũng cam kết là có đủ sức khỏe để làm việc và cống hiến nhưng đến khi bị kỷ luật thì trình bày có đủ thứ bệnh. Thậm chí, chỉ trong một vài tháng thôi mà tình trạng sức khỏe đã khác nhau rồi.
Một vấn đề đặt ra là đa số các vụ việc vi phạm khi bị báo chí lên tiếng thì đều nhận được câu trả lời của cơ quan chức năng là: “làm đúng quy trình”. Việc thực hiện quy trình phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật của những người thực hiện quy trình. Vấn đề chính là chỗ quy trình cần phải được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện liên tục vì đời sống kinh tế xã hội thay đổi thường xuyên và những “thủ thuật” để “lách” các quy trình cũng theo đó ngày càng tinh vi hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ những quy trình đã đặt ra. Nếu có sai phạm thì cần xử lý nghiêm khắc để giáo dục cũng như răng đe, phòng ngừa.
Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành pháp luật cần phải được xem xét. Tại sao khi tiếp nhận đơn và hồ sơ bệnh án, các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành pháp luật không kiểm tra lại, tiến hành giám định độc lập?
Vậy xin ông có thể nói rõ hơn về quy định miễn xét xử đối với trường hợp cán bộ, quan chức có dấu hiệu tham ô, tham nhũng mắc bệnh hay không?
Luật sư Phạm Ngọc Minh:Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa:“Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo”(khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Theo quy định trên, việc có mặt của bị cáo tại phiên tòa là bắt buộc, không kể bị cáo là công dân bình thường hay là cán bộ. Nếu bị cáo vắng mặt vì lý do mắc bệnh (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền) thì phải hoãn phiên tòa hoặc bị cáo bị tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì vụ án bị tạm đình chỉ đến khi bị cáo khỏi bệnh mà không phải được miễn xét xử.
Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ “chạy bệnh” vào sau các từ: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển... Nhận định này có đúng không thưa ông? Và để hạn chế tình trạng này, theo ông phải làm gì ?
Luật sư Phạm Ngọc Minh:Trước hết, cần khẳng định là những từ như “chạy án”, “chạy chức”, hay “chạy bệnh” không phải là thuật ngữ pháp lý. Việc “chạy bệnh” chỉ là một thủ thuật để tìm cách trì hoãn hoặc né trách nhiệm pháp lý.
Thực tế, vấn đề này đã được các cơ quan báo chí và nhân dân phản ảnh rất nhiều, nhưng khi yêu cầu phải chỉ ra cụ thể vụ việc nào thì rất khó. Trách nhiệm chứng minh, tìm và không bỏ lọt tội phạm thuộc về một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền – những cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ việc đóng thuế của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phải nhắc lại là không phải cứ có bệnh là “thoát tội” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều quan trọng là các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các bệnh viện và tổ chức có thẩm quyền giám định bệnh án cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, tránh trường hợp đưa ra những giấy tờ, tài liệu giả, tiếp tay cho tội phạm.
Tình trạng quan chức tham ô, tham nhũng dùng hồ sơ bệnh án để thoát tội đã xuất hiện từ lâu, thậm chí Quốc hội cũng từng đưa ra thảo luận nhưng đến nay tình trạng vẫn không hề giảm mà có chiều hướng tăng thêm. Theo tôi, để hạn chế tình trạng cán bộ “chạy bệnh”, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, nghiêm khắc xử lý những người tiếp tay cho việc làm giả hồ sơ, giấy tờ bệnh án theo Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, hành vi làm giả giấy tờ để “chạy bệnh” hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể, có thể bị phạt tù tới 7 năm tù và bị phạt tiền tới 50 triệu đồng.
Hai là, với những trường hợp cáo bệnh để xin trì hoãn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng nên tiến hành giám định lại, sử dụng các kênh độc lập để kiểm tra. Nếu đúng như hồ sơ bệnh án thì sẽ dừng tố tụng, tùy thuộc vào mức độ, có thể đưa đến bệnh viện, trung tâm bắt buộc để chữa trị hoặc để gia đình có chế độ chăm sóc. Tuy nhiên khi hết bệnh rồi thì phải tiếp tục xét xử hoặc thi hành án. Còn với trường hợp dùng bệnh án giả để trốn tội thì cần làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Theo Infonet