Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksei Chepa nói Mỹ và Anh đã nắm trong tay loại chất độc thần kinh cực mạnh này vào năm 1999. Chất độc Novichok khi đó từng bị rò rỉ tại một thành phố ở Uzbekistan, quốc gia từng thuộc Liên Xô.
Đó là cách người Mỹ nghiên cứu về chất độc thần kinh này, ông Chepa nói. “Người Mỹ không chỉ nắm trong tay công nghệ bào chế mà còn đủ sức tạo ra Novichok. Tương tự, đồng minh NATO là Anh cũng có thể được chia sẻ công nghệ này”.
Do đó, ông Chepa không loại trừ khả năng chính Anh và Mỹ mới là nước ra tay đầu độc cựu điệp viên Nga.
Tuyên bố của ông Chepa gây bất ngờ vì trước đó, Anh và Mỹ liên tục cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái.
Một chuyên gia sinh hóa người Mỹ, Amy Smithson cũng đặt câu hỏi liệu Washington đã nắm trong tay Novichok từ thành phố Nukus, Uzbekistan.
“Tôi không loại từ khả năng này, về khả năng người Mỹ có mặt tại cơ sở hóa học của Liên Xô trong giai đoạn đầu những năm 1990”.
Cựu đại sứ Anh ở Uzbekistan, Craig Murray, người từng đến Nukus, cũng lên tiếng bênh vực Nga.
Ông Murray cho rằng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy Nga liên quan đến vụ việc.
Một số thành viên đảng đối lập ở Anh cũng cảnh báo không nên sớm quy kết Nga mưu sát người ngay trên đất Anh.
Thủ lĩnh đảng đối lập Jeremy Corbyn kêu gọi “cách tiếp cận bình tĩnh”, tránh bị kéo vào Chiến tranh Lạnh lần 2 với Nga.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói trên Interfax rằng Nga đã không còn phát triển chất độc thần kinh Novichok.
“Tôi muốn nói rõ rằng Liên Xô cũ và Nga không còn phát triển loại chất độc thần kinh này”, ông Ryabkov khẳng định.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói Moscow đã tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học từ năm ngoái, trong khi cáo buộc Mỹ vẫn chưa làm điều tương tự.