Năm 1985: Triều Tiên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên nước này không thực hiện một thỏa thuận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Năm 1992: Triều Tiên và Hàn Quốc ký Thỏa thuận chung về Giải giáp vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, qua đó nhất trí sẽ không thử nghiệm, sản xuất, sở hữu hay triển khai vũ khí hạt nhân, đồng thời cho phép hai nước giám sát nhau để xác nhận có tuân thủ thỏa thuận.
Năm 1993: Triều Tiên thông báo về ý định rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuy nhiên đã hoãn quyết định này sau các cuộc thảo luận với Mỹ ở Liên Hợp quốc. Lúc đó, các cơ quan tình báo Mỹ ước tính rằng Triều Tiên có đủ plutonium để chế tạo một hoặc hai đầu đạn hạt nhân.
Năm 1994: Ông Jimmy Carter trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Triều Tiên, và tại đây ông đã đặt nền móng cho các cuộc hội đàm ngoại giao ban đầu. Sau đó, chính quyền Tổng thống Bill Clinton và Triều Tiên ký một thỏa thuận chung nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2000: Ông Jo Myong-rok, một quan chức quân đội cấp cao của Triều Tiên đã đến Washington để gặp gỡ Tổng thống Bill Clinton sau khi có những dấu hiệu khả quan trong các cuộc thảo luận của Bình Nhưỡng với Seoul.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright đã đến Bình Nhưỡng không lâu sau đó và đã gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il để mở rộng thỏa thuận đóng băng hạt nhân 1994 và chuẩn bị cho một chuyến thăm có thể diễn ra của Tổng thống Bill Clinton, song cuộc thảo luận này đã thất bại.
Năm 2003: Sau khi thỏa thuận trên đổ vỡ và Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga với Triều Tiên đã cùng nhau có cuộc thảo luận sáu bên, song trong suốt quá trình hội đàm, Bình Nhưỡng kiên quyết không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Năm 2009: Cuộc đàm phán sáu bên đã đổ vỡ sau khi các bên không thể thống nhất với nhau về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế đến Triều Tiên điều tra. Mặc dù vậy, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến thăm Triều Tiên và đàm phán để trả tự do thành công cho hai nhà báo Mỹ bị giam cầm.
Năm 2011: Chủ tịch Kim Jong-il qua đời trong lúc chính quyền Tổng thống Barack Obama hy vọng có thể khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình. Con trai là ông Kim Jong-un thay cha lên nắm quyền.
Năm 2012: Tổng thống Obama đã cố gắng thúc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán bằng cách xiết chặt cấm vận kinh tế. Tuy nhiên lãnh đạo Kim Jong-un đã rút khỏi thỏa thuận cho phép Mỹ viện trợ kinh tế và đổi lại Triều Tiên phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế vào Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên đã có những bước dài trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Năm 2016 – 2017: Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những lời đe dọa mạnh mẽ đối với Triều Tiên, đe dọa sẽ dùng “ngọn lửa cuồng nộ” tấn công đất nước này nếu họ tiếp tục leo thang căng thẳng. Triều Tiên đã thử nghiệm một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa cùng với cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu, được cho là có sức công phá mạnh nhất từ trước tới nay.