(Baonghean) - Khi những con đường lớn được thông tuyến đã mở ra bao triển vọng để huyện 30a Tương Dương vươn lên thoát nghèo, trong đó phải kể đến triển vọng phát triển cây chanh leo.

Nói đến Tương Dương, trước hết đây là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất trong các huyện cả nước với hơn 2,8 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh và gấp đôi diện tích tỉnh Thái Bình); địa hình khá phức tạp, một số khu vực thuộc các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông và Tam Hợp có độ cao lớn, thường là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông; khí hậu khắc nghiệt, tập quán sản xuất còn lạc hậu, bà con chưa có tư duy sản xuất hàng hóa. Có thể xem đó là những “thành trì” của tư duy sản xuất tự cung tự cấp và tư tưởng trông chờ, ỷ lại. 

images1852164_qn2.jpgMô hình trồng chanh leo của Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Mới đây, chúng tôi có dịp đi dọc đường Tây Nghệ An - tuyến đường lớn chạy dọc biên giới, nối địa bàn các huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong.

Đến bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai (Tương Dương) thấy các sườn đồi được bà con người Mông và Khơ mú ở đây phát quang và đào hố theo lối hàng thẳng tắp; có nơi bà còn đã dựng cọc chống, căng dây thép để trồng chanh leo. Hỏi thăm người dân, bà còn cho hay: “Bản đang chuẩn bị vào vụ trồng chanh leo, hầu hết nhà nào cũng trồng với kỳ vọng đây sẽ là cây thoát nghèo của bản, tạo điều kiện vươn lên làm giàu...”. 

Tìm gặp Và Bá Ka - Bí thư Chi bộ bản Thằm Thẩm, người nhận trồng 269 gốc chanh leo trong dự án thí điểm được triển khai gần 2 năm trước. Đến nhà thấy “cửa đóng, then cài”, lên rẫy chanh leo gặp vợ chồng Và Bá Ka đang tất bật với việc cắt tỉa dây chanh leo, lưng địu đứa con nhỏ mới gần 4 tháng tuổi.

Và Bá Ka cho biết: “Bận rộn lắm, vừa phải làm cỏ, cắt tỉa vườn cũ này, vừa phải phát quang, đào hố, làm giàn để mở rộng diện tích, thành ra không có thời gian nghỉ ngơi".

Ở Thằm Thẩm có 17/20 hộ đăng ký trồng chanh (3 hộ còn lại do tuổi cao không có đủ điều kiện sức khỏe). Vườn chanh leo hiện tại của Và Bá Ka được trồng từ năm 2015 làm mô hình thí điểm của huyện, vụ đầu tiên cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng, thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây truyền thống như ngô, lúa, đào, mận... Vì thế, năm nay gia đình anh chuyển phần lớn diện tích rẫy sang trồng chanh leo, dự kiến thêm gần 500 gốc.

Ở Thằm Thẩm còn có 6 hộ khác thí điểm trồng chanh leo từ năm 2015 và cho thu nhập cao ở vụ thu hoạch đầu tiên, nay đều tiếp tục mở rộng diện tích. 

Ghé thăm rẫy của Đồn Biên phòng Nhôn Mai. Có lợi thế về nguồn nhân lực nên chanh leo ở đây đã được làm cỏ và cắt tỉa sạch sẽ, hứa hẹn thêm một mùa bội thu.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng - Đồn trưởng cho biết: “Cuối năm 2015 chúng tôi triển khai trồng 1ha để thí điểm. Vụ đầu tiên cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, chưa kể phần để dùng và làm quà tặng cho gia đình cán bộ, chiến sỹ. Thấy bộ đội biên phòng và 7 hộ trong bản Thằm Thẩm làm hiệu quả, phần lớn những hộ còn lại đều đăng ký chuyển số diện tích nương rẫy sang trồng chanh leo”.  

Dịp này, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai - ông Lương Xuân Hiệp đang ngày đêm bám trụ ở Thằm Thẩm để giám sát và chỉ đạo việc triển khai trồng cây chanh leo. Ông Hiệp cho biết, bản Thằm Thẩm của Nhôn Mai chỉ cách trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) - “thủ phủ” chanh leo của miền Tây Nghệ An hơn 10 cây số, đường Tây Nghệ An thông tuyến, Thằm Thẩm đang có cơ hội vượt lên thoát đói nghèo và từng bước làm giàu.

Những sườn đồi thoai thoải bao năm trồng ngô, trồng lúa đã bạc màu nay được thay thế bằng cây chanh leo. Sau Thằm Thẩm, một vài nơi có điều kiện khí hậu lạnh như Huồi Cọ, Xói Voi cũng sẽ được triển khai trồng chanh leo; dự kiến năm 2017 toàn xã Nhôn Mai sẽ trồng khoảng 10 ha với hy vọng lớn về hiệu quả kinh tế.

Vườn chanh leo cho năng suất cao của anh Và Bá Ka, bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Nhân dẫn đầu đoàn công tác của huyện vào Nhôn Mai nghiên cứu, khảo sát để thực hiện chủ trương mở rộng diện tích  chanh leo, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, nhiều năm qua huyện đã tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, nhưng vẫn chưa tìm được một hướng đi thích hợp.

Nay đã tìm ra hướng phát triển cho những bản có độ cao lớn, khí hậu lạnh, chính là việc phát triển cây chanh leo. Trước trồng ngô, lúa lâu năm đất bạc màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa rét thường bị bệnh chết...

Cây chanh leo sẽ tận dụng được ưu thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực, thúc đẩy tư duy phát triển hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, việc vận chuyển đã thuận lợi, đầu ra sản phẩm được đảm bảo, đã có một doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ chanh leo trên địa bàn.

Cùng với xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương sẽ triển khai trồng ở một số bản có điều kiện khí hậu tương đồng như các xã Mai Sơn, Hữu Khuông và Tam Hợp. Theo kế hoạch, toàn huyện năm nay sẽ có hơn 30 ha chanh leo, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân trên những vùng “đất khó”. 

Từ rẫy chanh leo trên sườn đồi thoai thoải, chúng tôi phóng tầm mắt xuống con đường Tây Nghệ An uốn lượn giữa bên dòng Nậm Hỷ và dãy núi ngút ngàn. Bản làng đang khởi sắc, những chuyến xe ngược xuôi ăm ắp hàng, con đường mơ ước từ bao đời đã thành hiện thực.

Ngắm con đường ấy lại nghĩ đến hành lang liên kết các vùng trồng chanh leo, từ “thủ phủ” Tri Lễ (Quế Phong) sang Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương). Và mai kia có thể là Mường Lống (Kỳ Sơn) - nơi được ví là Sa Pa của xứ Nghệ. Không đơn thuần là con đường đi lại, tuyến đường Tây Nghệ An còn mang ý nghĩa khơi dậy tiềm năng.

Rời Thằm Thẩm, rời đất Nhôn Mai khi bà con đang tất bật cho vụ trồng chanh leo mới, mang theo hy vọng lần trở lại sẽ chứng kiến những đổi thay to lớn của đồng bào từ những vườn chanh leo trĩu quả - nối tiếp những mùa “quả ngọt” góp phần xây dựng đời sống ấm no trên vùng đất khó này...

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN