Sở VH - TT và Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức kêu gọi, vận động phụ nữ TP mặc áo dài trong cả tháng 3, từ sinh hoạt hằng ngày đến làm việc, nhằm chào đón sự kiện lễ hội Áo dài TP.HCM và ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
 
Hàng loạt sự kiện tôn vinh chiếc áo dài được tổ chức trong suốt tháng 3. Điểm nhấn là từ chủ nhật 6/3 (và các ngày chủ nhật 13 và 20/3), hành trình “Thành phố áo dài - Thành phố tôi yêu” xuất phát từ Nhà Văn hóa Sinh viên đến các di tích văn hóa, lịch sử trong TP. Các sinh viên tham gia hành trình sẽ mặc áo dài di chuyển bằng xe đạp.
 
Chương trình nghệ thuật “Áo dài - vẻ đẹp bất tận” sẽ khai mạc đúng 18 giờ 30 ngày Quốc tế Phụ nữ tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Triển lãm ảnh “Áo dài qua từng thời kỳ” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Công viên Chi Lăng (đường Đồng Khởi). Tại Bảo tàng Áo dài sẽ diễn ra lễ hội Áo dài kéo dài từ ngày 5/3 đến hết tháng 3.
 
Bên cạnh đó là các cuộc thi ảnh “Duyên dáng áo dài”, thi thiết kế áo dài dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP, hội thi kết hoa áo dài và biểu diễn áo dài hoa cho các nhà tạo mẫu hoa quốc tế và Việt Nam vào hai ngày 19 và 20/3...
 
 
images1465350_11_8429_1455522967.jpgÁo dài của phụ nữ Việt Nam trở thành hình tượng đẹp trong các bức tranh sơn mài.
Chiếc áo dài Việt Nam đúng là vẻ đẹp bất tận. Mặc dù qua nhiều thời kỳ, chiếc áo dài được cách tân, cách điệu nhiều lần nhưng nó vẫn giữ được cái tính cách rất riêng không thể nhầm lẫn với bất cứ bộ quốc phục nào. Nó là cái hồn dân tộc.
 
Từ những năm 1930, họa sĩ Cát Tường của tạp chí Ngày Nay thuộc Tự lực Văn đoàn, là người đầu tiên thiết kế cách tân chiếc áo dài truyền thống mà ông đặt tên là “Áo dài Le Mur” in trên tạp chí Ngày Nay (“le mur” tiếng Pháp là bức tường, tức bút danh Cát Tường của ông).
 
Sau năm 1954, ở miền Nam chiếc áo dài lại có nhiều lần cách tân, cách điệu. Nhưng đáng nhớ nhất là chiếc áo dài khoét cổ tròn rất rộng của bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Theo lời kể nhiều người thì Tổng thống Diệm rất khó chịu khi cô em dâu mặc chiếc áo dài khoét cổ rộng này tiếp khách nước ngoài. Thời gian này chiếc áo dài có cổ rất cao, vạt áo rất dài và đặc biệt là eo chít rất bó. Chiếc “Áo dài bà Nhu” ít người ưa chuộng và ít người mặc theo.
 
Cuối những năm 1960, áo dài lại có bước đột phá nổi đình đám là chiếc áo dài “tay raglan” - tức tay áo không nối ngang vai áo mà nối từ nách đến cổ, vạt áo ngắn gần đến đầu gối và eo khá rộng, không chít cứng như trước kia. Nữ sinh trung học thời ấy bắt buộc phải mặc áo dài đi học, các cô gái trẻ rất thích loại áo dài này vì nó rất thoải mái. Hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe trên những con đường rợp bóng cây trong TP là đề tài bất tận cho biết bao áng thơ văn nhạc họa.
 
 
Các bạn trẻ thành Vinh mặc áo dài chụp ảnh Tết.
Thời bao cấp mặc dù kinh tế cực kỳ khó khăn nhưng chiếc áo dài vẫn tồn tại. Thỉnh thoảng nó vẫn xuất hiện trong các cuộc lễ tân, tại các đám cưới truyền thống. Nhưng có điều nghịch lý là sau thời mở cửa, đổi mới, kinh tế khá lên thì chiếc áo dài gần như mai một, bị lấn át bởi những mốt thời trang váy dài váy ngắn, đầm cụp đầm xòe ào ạt du nhập vào xứ ta, hút hồn biết bao bạn gái trẻ. Chúng ta ít khi bắt gặp được chiếc áo dài tại những sự kiện trọng đại, tiệc tùng, cưới hỏi. Chỉ còn những chiếc áo dài theo chân các nữ tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bay đi khắp năm châu. Và nó được biết bao phụ nữ trên thế giới ngưỡng mộ.
 
 
Mãi hơn 40 năm sau ngày thống nhất, năm 2015, Sở GD&ĐT TP.HCM mới phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên TP triển khai kế hoạch “Áo dài học đường” nhằm khuyến khích nữ sinh các trường THCS và THPT mặc áo dài khi đi học. Chỉ mới khuyến khích thôi chứ chưa bắt buộc. Và nữ công chức, viên chức các sở, ban ngành và các quận, huyện thuộc TP hiện nay đều phải mặc áo dài ngày đầu tuần chào cờ. Chuyện phục hưng chiếc áo dài truyền thống tuyệt đẹp tuy quá muộn màng nhưng vẫn còn hơn không.
 
Theo Pháp Luật