(Baonghean) - Hàng năm vào đúng ngày 5 tháng Giêng âm lịch, nhân dân thành phố Vinh và du khách gần xa lại náo nức về đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết để dự trọng Lễ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. 

Linh thiêng đền Vua Quang Trung

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, để tỏ lòng biết ơn vị Anh hùng áo vải dân tộc, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định ngày 23/7/2004 xây dựng Đền thờ Vua Quang Trung tại địa phận khối 2, phường Trung Đô, thành phố Vinh.

images1809012_bna_5885dbc630f15.jpgĐền Quang Trung trong ngày lễ. Ảnh: Sỹ Minh

Đền tọa lạc trên đỉnh Dũng Quyết thuộc vùng đất linh thiêng được Vua Quang Trung chọn đóng đô cách đây hơn 220 năm. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008. Đền có quy mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp; có tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, các đồ lễ tế khí… được phục chế theo văn hóa thời nhà Nguyễn. Đây là một công trình văn hóa tâm linh gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng niệm công ơn của Hoàng đế Quang Trung và thưởng ngoạn cảnh quan một vùng văn vật có sông núi hữu tình, địa linh nhân kiệt giàu chất sử thi, đậm đà bản sắc xứ Nghệ.

Đứng trên địa phận Đền thờ Vua Quang Trung chúng ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn được toàn cảnh thành phố Vinh, núi Hồng sông Lam, biển Cửa Lò, đảo Ngư, đảo Mắt, làng Tiên Điền quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ hội đền Quang Trung 2016. Ảnh Thanh Thủy

Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên sự uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản...

Đền có hai lối ra vào ở hai bên, chính giữa là nghi môn ngoại (Nghi môn tứ trụ) được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái theo Dịch học.

Tiếp đó là bình phong tứ trụ được dựng ngay trên trục chính đạo, được làm bằng đá chạm trổ rất công phu và đẹp. Hai bên bình phong khắc triện gấm, ở giữa là cuốn thư, trung tâm có hai chữ Thọ Đế. Phía trên nữa là hình rồng chầu mặt nguyệt. Dưới cùng là chân quỳ dạ cá, chạm hổ phù. Hai bên có hai con nghê đứng chầu, tượng trưng cho vai trò người bảo vệ kiểm soát linh hồn người ra vào.

Giỗ tổ Hoàng đế Quang Trung, tại đền Quang Trung, TP. Vinh. Ảnh: Lê Mạnh Thắng

Qua bình phong tứ trụ là hai nhà bia ngoảnh mặt vào nhau song song với trục chính đạo. Nhà bia phía bên trái khắc bài “Công trạng Vua Quang Trung”, nhà bia bên phải khắc bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”. Nối tiếp là nhà tả vu, hữu vu. Qua khu vực này là nhà bái đường rộng lớn còn gọi là tiền đường, nơi để sửa soạn lễ, chỉnh trang trước khi hành lễ. Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến trúc dân gian Việt Nam gồm ba gian hai chái, với bốn hàng cột. Các khu nhà hậu đường, nghi môn đều có kiến trúc hai tầng, tám mái, các đỉnh, góc mái chạm hình rồng phượng uốn cong tạo nên thế uy nghiêm. Theo luật phong thủy, việc bố trí như vậy để ngăn cản những tà khí…

Du khách về với lễ hội đền Quang Trung. Ảnh Thanh Thủy

Đền thờ Vua Quang Trung được khởi công xây dựng trong thời gian 3 năm, với tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình hơn 22 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng công trình văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đảm nhận thi công. Đây là 1 trong 36 hạng mục công trình của quần thể di tích lịch sử Lâm viên núi Dũng Quyết.

Xứ Nghệ có nhiều cảnh sông núi hữu tình, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được nhiều người biết đến. Không chỉ có vậy, mà hiện nay đến Nghệ An du khách không thể không đến thăm viếng Đền thờ Vua Quang Trung một công trình văn hóa tâm linh với nhiều nét huyền bí uy nghi. Từ ngày khánh thành Đền thờ Vua Quang Trung đến nay đã có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.

Gian hàng sách ở Lễ hội đền Quang Trung thu hút đông du khách. Ảnh Thanh Thủy

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,… đã từng đến viếng Đền thờ Vua Quang Trung. Nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về, hàng nghìn người thập phương đổ về đây để tế lễ và thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất trời.

Phát hành thẻ ấn “Quang Trung linh từ”

Về thăm đền thờ người Anh hùng áo vải, nhất là dịp đầu xuân, du khách sẽ hài lòng khi không thấy cảnh bán hàng rong, lộn xộn, chen lấn, xô đẩy như những nơi khác, hình thức quầy hàng tự giác - du khách tự mua hàng và bỏ tiền vào thùng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những ai đã một lần ghé chân về đây.

Đặc biệt vào ngày mùng 5 Tết âm lịch hàng năm, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về với thành phố Vinh để tham dự ngày lễ trọng đại nhất trong năm của Đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Lễ Kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một trong những chiến công hiển hách nhất của người Anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Cũng trong ngày này, thành phố Vinh và ban quản lý đền tổ chức phát hành thẻ ấn “Quang Trung linh từ” cho nhân dân và du khách thập phương. Du khách tụ hội về đây ngoài hành lễ tâm linh, vãn cảnh đầu Xuân đều tâm niệm có được một “thẻ ấn” mang về để được phù hộ độ trì trong năm mới. 

Biểu diễn trống đồng tại Lê hội đền Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy

Năm nay, thành phố Vinh sẽ cho phát hành 15 ngàn thẻ ấn, theo quy trình, các thẻ ấn được in, đóng dấu và đưa vào cung thượng điện, vào ngày mùng 5 Tết lãnh đạo thành phố và ban quản lý tổ chức dâng hương, báo cáo Hoàng đế tại cung thượng điện, sau đó sẽ rước các hòm thẻ ấn ra phòng thờ thẻ ấn để phát cho toàn thể nhân dân.

Phát hành thẻ ấn đầu năm tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc trong những ngày đầu Xuân. Đây là nét mới tạo dấu ấn riêng thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quảng bá thúc đẩy hoạt động văn hóa du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Đồng thời thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của người Anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ./.

Thanh Thủy - Trần Đan Thùy
 

TIN LIÊN QUAN