(Baonghean) - Đã biết từ lâu trên đỉnh Pu Đên (bản Choọng, xã Châu Lý - huyện Quỳ Hợp) còn lưu những dấu tích của đền Choọng, và biết rằng trong tâm tưởng đồng bào Kinh, Thái huyện Quỳ Hợp mong ngóng ngày đền được phục dựng. Vậy nên, thật vui khi ngày 15/4 này được chứng kiến quang cảnh rộn rã, nhộn nhịp trên ngọn núi thiêng Pu Đên...

Huyền tích

Cụ Vi Văn Tuyên (SN 1936), bậc cao niên từng được dự không ít hội Lục ngoạt của đền Choọng, kể rằng: Đền Choọng, trên núi Pu Đên là nơi thờ Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm). Ngày ấy cách đây gần 600 năm. Nang Phốm Hóm là một người con gái Thái, vợ của một tướng tài có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc. Vào khoảng năm 1425, vị tướng tài này đã đem lòng yêu thương nên duyên chồng vợ cùng Nang Phốm Hóm. Nàng là người con gái đẹp người đẹp nết, được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân chống giặc Minh. Từ lúc sinh ra, Nang Phốm Hóm đã thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương hoa rừng.
 
Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền Tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng lớn… Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải. Chiều chiều, sau khi cắt đặt công việc xong xuôi, nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ, trong nỗi nhớ mong chồng, nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…
 
Nhận được tin vợ mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Xót thương nàng đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân mường Choọng ngày đêm ra sức tìm nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của nàng còn đọng lại. Thương nhớ Nang Phốm Hóm, người dân mường Choọng đã lập đền thờ nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm nàng đã đắp nên - Ngôi đền ấy có tên đền Choọng.
 
Huyền tích núi Pu Đên cụ Tuyên kể từng được Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý Cao Duy Thái sưu tầm chép lại và viết thành bài "Lịch sử đền Choọng" dài đến 5 kỳ đăng trên trang "Mường Choọng - Một cõi non thiêng" của mình. Theo anh, đền Choọng từng có sắc phong của triều đình. Khi đền bị phá, một gia đình họ Vi trong vùng đã đem về, nhưng năm 1973 bị hỏa hoạn cháy mất nên tích xưa vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tại cuốn “Dư địa chí Quỳ Hợp” do cố Phó Giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên đã viết, đại ý: Ngôi đền ở mường Choọng (xã Châu Lý) được dựng nên bởi những người dân ở Quế Phong, Quỳ Châu chạy loạn về vùng Quỳ Hợp. Tên đền Choọng được ra đời là bởi, ngày đó, chúa đứng đầu mường Choọng là một cô gái rất đẹp tên là Náng Lẻ. Một viên tướng triều đình đem quân dẹp giặc đã yêu thương nàng và kết duyên vợ chồng. Trong lúc vị tướng đi vắng, Náng Lẻ ra gội đầu bên bến sông Nậm Choọng thì một con rồng ở dưới nước đã vùng lên cuốn nàng đi. Vị tướng đã đem sợi tóc về mai táng nơi đỉnh đồi đất cát, gần sông và gọi là đền Choọng. Đền có hai nhà hình thước thợ, trên thờ các vị thần giống như đền Chín Gian, dưới thờ nàng Náng Lẻ... Cao Duy Thái tâm tư: "Có thể còn chưa có sự thống nhất nhưng điểm chung nhất ấy là tự trong tâm thức của người dân, người được thờ tại đền Choọng là biểu tượng về công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, là kết tinh tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái - Kinh”. 
 
Niềm mong
 
Theo cụ Vi Văn Tuyên, hình dáng đền Choọng xưa hẵng còn hằn in trong trí não. Đền có hai nhà thượng, hạ điện bằng gỗ lim chạm họa tiết công phu, sạp làm bằng gỗ vàng tâm, mái lợp tranh mây. Trong đền có cửa vọng vải thêu kim tuyến các hình rồng phượng; có hoành phi, câu đối. Đền có 3 bàn thờ, ngôi giữa có một tượng phụ nữ ngồi, trước mặt có hình tượng hạt thóc, hai bên là tán lọng vàng, voi, hạc chầu... Đền bị phá khoảng năm 1957 - 1958, những đồ thờ tự, trống đồng, vạc đồng đã thất lạc hết trong dân gian, chỉ sót lại 14 hòn đá kê cột và một vài món đồ gốm vỡ... Cụ nói: "Tôi có thật nhiều kỷ niệm với đền Choọng. Đấy là nơi cha tôi làm công việc thờ tự, là nơi tuổi thơ tôi cùng với dân bản trong vùng gắn bó với những ngày hội Lục ngoạt diễn ra vào 15 - 16/6 (ÂL) hàng năm...".
 
Cùng chị Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý, chúng tôi đến nhà ông Vi Văn Thu ở bản Choọng, là gia đình cất giữ bộ hương án, đồ thờ mẹ của Nang Phốm Hóm. Ông Thu kể rằng, thời kỳ đền bị phá, bác của ông là cụ Vi Văn Thi đã xin về. Mồng một, ngày rằm, lễ tết lại đỏ hương tưởng nhớ hai mẹ con Nang Phốm Hóm. Cụ Thi mất đi, bộ đồ thờ được chuyển lại cho bố ông Thu là cụ Vi Văn Hương và lưu truyền đến nay. Ghi nhớ lời bác, lời cha, bao năm qua ông Vi Văn Thu không hề trễ nải việc hương khói và thường kể cho con, cháu và các thế hệ trong bản về tích sử của đền. Bộ đồ thờ ông Thu đang giữ gìn đã nhuốm màu thời gian, gồm: 1 chiếc hương án, 2 chiếc lọng, 2 cây đao lớn, 2 thanh gươm và một số cọc nến, cọc sáp được sơn son thếp vàng. "Những kỷ vật này đã gắn bó cùng các thế hệ gia đình tôi từ 50 - 60 năm. Vậy nhưng từ lâu, tôi vẫn chờ ngày đền được phục dựng để giao lại những kỷ vật thiêng liêng này. Cũng như mọi người dân, tôi mong chờ núi Pu Đên có lại đền Choọng để đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân” - ông Thu cho biết.
 
Phục dựng đền thiêng
 
Núi Pu Đên nằm kề Quốc lộ 48C (cách trụ sở xã Châu Lý tròn 1 km) có địa thế đẹp. Từ Quốc lộ 48C, để đi vào đền phải qua dòng Nậm Choọng và một bãi đất rộng. Để từng bước phục dựng đền Choọng, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã giao cho Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện đứng ra làm cầu nối, kết nối những tấm lòng của các nhà hảo tâm, các doanh nhân cùng đồng bào các dân tộc để cùng chung tay góp sức xây dựng nhà thượng điện. Ngày 8/1/2014, Ban chỉ đạo phục dựng và tôn tạo đền Choọng phối hợp với Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng chính quyền xã Châu Lý tổ chức lễ khởi công. Công trình được quy hoạch xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, gồm các hạng mục: Thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, tam quan, cổng tứ trụ, sân, đường lên hạ điện, thượng điện; cầu, đường, sân bãi và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 50 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của công trình ngoài quy hoạch, giải phóng mặt bằng, san ủi mặt bằng xây dựng thì thi công nhà thượng điện bằng gỗ nhóm 2, kiểu nhà hình chữ nhật, cột kê đá tảng theo đúng nguyên mẫu đền xưa.
 
images970133_4.jpgToàn cảnh đền Choọng.
Thượng điện đền Choọng đang được thi công.
 
Trên núi Pu Đên, thượng điện đền Choọng đã lộ hình hài với những khung cột, vì, kèo... chạm trổ tinh xảo được lắp ráp bởi những người thợ mộc ở Hà Nam. Bên dòng Nậm Choọng, các kíp thợ cầu đường đã xây dựng được 2 mố cầu. Dưới chân Pu Đên, khuôn viên của đền đã được san lấp bằng phẳng, hàng trăm đoàn viên, thanh niên trồng cây. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Quỳ Hợp, ông Nguyễn Giang Hoài cho biết: Dù đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vậy nhưng trước lời kêu gọi của Đảng bộ, chính quyền huyện, nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp đều nhiệt tâm tham gia đóng góp. Tổng kinh phí gồm tiền và vật liệu đóng góp đã được khoảng 3 tỷ đồng (gần 2 tỷ đồng tiền mặt). Ông Hoài nói: "Đến giờ phút này, tôi tin những công việc trong giai đoạn 1 phục dựng đền Choọng sẽ được hoàn thành như đã dự kiến...".
 
Từ Quốc lộ 48C ngắm nhìn quang cảnh nhộn nhịp đang diễn ra trên núi Pu Đên, tôi tin vào những điều ông Hoài đã nói. Và tôi tin rồi đây những công đoạn tiếp theo cũng sẽ hoàn thành bởi lòng dân luôn hoài vọng, như cụ Vi Văn Tuyên ngồi bên thềm nhà, mắt đăm đăm hướng về Pu Đên đã thổ lộ: “Đền Choọng được phục dựng, ước mong mấy chục năm nay mới được thỏa nguyện. Giờ có về với tiên tổ tôi cũng đã ấm lòng...”.
 
Nhật Lân