(Baonghean) - Hơn 600 năm qua, Chùa Đại Tuệ là cõi thiêng trong tâm linh của người dân xứ Nghệ. Nơi đây đã gắn liền với nhiều biến cố mang tính lịch sử của đất nước và chứa đựng nhiều huyền tích...
Xa quê đến nay cũng tính được ba đời, kể từ ngày ông cố nội tôi rời làng Xuân Hồ ra thủ đô sinh sống. Làng xưa vẫn nổi danh khắp xứ Nghệ là “kẻ sỹ Xuân Hồ” với nhiều đệ tử cửa Khổng, sân Trình giỏi giang, nhiều bậc khoa bảng, sỹ phu yêu nước - ông nội tôi lúc sinh thời vẫn thường tự hào kể cho tôi nghe về điều này. Những câu chuyện kể của ông có làng rú Nam Anh, có dãy Đại Huệ dựng như tường thành. Trên ngọn núi cao đó có một ngôi chùa nhỏ mà thiêng lắm, có bàn cờ, mộ của tiên, ngai đá của vua. Bên này rú Nam Anh có con rùa vàng đã hàng trăm năm tuổi; bên kia rú Nhón có con rắn to vẫn băng qua đồng lúa đi về. Nam Đàn địa linh nhân kiệt, “trùng lai danh thắng địa”, tuổi thơ tôi đã hình dung về đây như vùng đất huyền thoại.
Trở về ngày giỗ họ, sau tế lễ, nỗi niềm ấp ủ kiếm tìm giấc mơ con trẻ được thỏa mãn, “ông” tộc trưởng tên Cường chưa đầy 30 tuổi rủ lên chùa chơi.
Từ làng rú Nam Anh theo đường núi đi lên chùa Đại Tuệ chừng 5km, đường đang thi công mở rộng nên gập gềnh khó đi. Mua nở tím sườn núi, lên cao hơn là rừng thông xanh ngắt. Đứng ở dốc Thăng Thiên phóng tầm mắt nhìn ra xa là cả nước non châu thổ sông Lam, xa xa là Thành phố Vinh, Cửa Lò, biển Đông, với hòn Mắt, hòn Ngư, trập trùng núi non, ruộng đồng như tranh thủy mặc. Nơi đây yên ắng lắm, chỉ nghe tiếng gió, chim hót véo von, chim gù đồng vọng.
Đại Huệ còn có tên là Phong Vân Sơn. Đại Tuệ chính là ngọn núi thiêng bậc nhất Xứ Nghệ. Ở thế kỷ VII sau Công nguyên, Mai Hắc Đế đã dựa vào thế núi để lập căn cứ dựng cờ khởi nghĩa. Đầu thế kỷ XV, Quốc tổ Chương Hoàng đế Hồ Quý Ly từng xây dựng thành trấn Nghệ An châu, chống lại quân Minh xâm lược. Để làm nên Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789), hoàng đế Quang Trung đã hành quân qua đây và dừng lại mấy ngày để chiêu mộ, luyện tập binh sỹ trước khi tiến ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Đại Huệ cũng là nơi thân mẫu vua Mai và thân mẫu Bác Hồ yên nghỉ... Đến dốc Thăng Thiên, chùa Đại Tuệ hiện ra với khu nhà tăng ni xá. Đây là khu mới được xây dựng. Còn Tổ đình chùa cũ và chùa mới thì phải đi thêm lên cao nữa. Tại nhà cư xá, chúng tôi đã gặp hòa thượng Thích Minh Quang, phụ trách công việc xây dựng chùa hiện nay.
Nhà sư kể: Tương truyền, chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời vua Mai, nhưng lịch sử chỉ ghi nhận sự ra đời của ngôi chùa dưới thời vua Hồ Quý Ly. Chùa được xây cất để thờ Phật Bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà đã hiển linh giúp vua xây thành chống giặc. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật Bà Đại Tuệ ( đại diện cho trí tuệ của Đức Phật với Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Vị trụ trì đầu tiên của chùa, chăm lo, hương khói phụng thờ chính là công chúa Thái Dương, con gái vua Hồ Quý Ly. Kế tục đã có rất nhiều bậc chân tu lên đây tu hành, một trong số đó đã hiến kế sách cho vua Quang Trung hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long.
Chùa nằm ở độ cao 500m so với mặt nước biển. Cảnh quan nơi đây vẫn y nguyên như bài thơ vịnh của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích 300 năm trước “Trời dăng rặng núi như xoè cánh/ Đất nắn dòng sông giống uốn câu”. Tổ đường của chùa Đại Tuệ là một thảo am nhỏ, sạch sẽ, bên trong pho tượng Phật Tam Thế, bia đá, kinh phật, một số bát hương, bát gốm cổ. Hôm nay không phải ngày lễ, ngày rằm nhưng số người lên chùa vãn cảnh, thắp hương khá đông. Hàng thế kỷ qua, Đại Tuệ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân quanh vùng Nam Đàn và Nghi Lộc. Nhà sư Minh Quang khe khẽ đọc một bài thơ cổ mà nhân gian vẫn truyền tụng: "Ngai thạch vững chãi/ Chuông đá ngân vang/ Mõ đá vọng sang/ Bàn tiên thượng đỉnh/ Ao sen hương phảng phất/ Giếng nước thánh tràn đầy/ Ngôi chùa tận trên mây/ Người xây, thiên tạo hoá"… Tất cả những hiện vật được đặc tả trong bài thơ đều nằm không xa ngôi tổ đường này.
Phía Tây chùa chừng 100m có một tảng đá lớn chừng 2m3, khi dùng đá gõ vào thì âm thanh phát ra như tiếng mõ, gọi là đá Mõ; phía Đông chếch Bắc có một tảng đá tương tự nhưng gõ vào lại nghe như tiếng chuông đồng gọi là đá Chuông. Ở phía trước chùa có một tảng đá lớn trông từa tựa một chiếc ghế gọi là Thạch Ngai. Cách chùa không xa là một giếng nước quanh năm nước không hề cạn mà trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” ghi: Đây là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà Minh Thái Tổ hàng năm đều điều sứ thần sang tận nơi tế lễ.
Sát ngay cạnh Tổ đường là hai ngôi mộ cổ lớn được ghép bằng đá, tồn tại ở đây đã mấy trăm năm. Mộ được hương khói rất chu đáo bởi người dân tin rằng một ngôi là mộ Tiên và ngôi còn lại là mộ của Cảnh Thịnh Hoàng đế Nguyễn Quang Toản (con vua Quang Trung Nguyễn Huệ). Thực hư chẳng rõ thế nào nhưng hàng năm cứ đến ngày 20/10 âm lịch, người dân họ Hồ ở Nam Đàn, Hưng Nguyên lại tổ chức ngày giỗ cho vua Cảnh Thịnh tại đây.
Chùa Đại Tuệ hiện tại đang giai đoạn thi công. Chùa được khởi công vào tháng 4/2011, diện tích quy hoạch xây dựng trên 20 ha với gần 20 hạng mục công trình, từ Tháp thờ Phật Mẫu Đại Tuệ, Chính điện, Thích Ca điện, bốn điện thờ Tứ đại Bồ Tát, Thiền đường, Tịnh độ đường, Tổ đường và vãng sinh đường, lầu chuông khánh, giảng đường, thư viện, trai đường, nhà tăng ni xá, nhà khách, cổng tam quan, quảng trường lớn, cùng nhiều tượng chư Phật, Bồ Tát, các vị La Hán, đúc chuông khánh, các đồ pháp khí. Quanh chùa sẽ trồng rừng cây ăn quả, cây thuốc, làm đường lên chùa, khuôn viên cây cảnh, hồ ao, bãi đậu xe, trạm hạ thế. Nhìn những như tả vu, hữu vu, tháp chuông với kiến trúc cổ; những nhà tháp 9 tầng, chính điện, nhà tăng ni xá, nhà khách, ao sen đang được xây dựng, bất chợt trong tôi lại hình dung mường tượng về một Bái Đính, hay vài ngôi chùa cổ bề thế ẩn hiện trong mây ở Trung Quốc mà mình đã từng qua…
Rời chùa Đại Tuệ, nhà sư Thích Minh Quang hứa hẹn: “Lần sau, thí chủ có đến thăm chùa chắc chắn đường xá sẽ thuận lợi hơn. Năm nay, tỉnh Nghệ An đang tiếp tục hoàn thiện đường lên chùa; nhà chùa cũng đang xin mở thêm con đường từ phía bên huyện Nghi Lộc, như vậy là từ Cửa Lò, phía Bắc đi vào quãng đường cũng ngắn hơn. Kể từ ngày Đại Tuệ rước ngọc xá lợi của Phật về đây, du khách thập phương về vãn cảnh, bái lễ cũng nhiều hơn”…
Thanh Sơn