(Baonghean) - Đội ngũ xóm trưởng được ví là “những cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đô Lương luôn quan tâm lựa chọn những người có năng lực, uy tín đảm nhận vị trí xóm trưởng, bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của đảng hoặc bố trí đảng viên làm xóm trưởng.

Tinh gọn bộ máy thôn, xóm

Huyện Đô Lương có 367 chi bộ khối nông thôn trực thuộc các đảng bộ xã, thị trấn. Hơn 10 năm qua, với mục tiêu tinh gọn bộ máy và đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường đội ngũ đảng viên làm xóm trưởng  trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng.

Nhiệm kỳ 2015 – 2017, trên địa bàn huyện có 234/367 xóm có bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, trong đó có 8 xã triển khai mô hình bí thư kiêm xóm trưởng ở 100% đơn vị là Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Bồi Sơn, thị trấn, Lưu Sơn, Trung Sơn, Văn Sơn, Thượng Sơn.

Ở xã Thượng Sơn - địa bàn có 100% đơn vị xóm theo mô hình bí thư kiêm xóm trưởng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Công Thắng cho hay: Ưu điểm của mô hình này là giảm được các cuộc giao ban,hội họp; phát huy  vai trò lãnh đạo toàn diện của bí thư chi bộ, quản lý điều hành của xóm trưởng trên tất cả các lĩnh vực ở khối xóm một cách đồng bộ, hiệu quả. Phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân…

1496917892915.jpgĐảng viên Chi bộ Yên Lương (xã Giang Sơn Đông - Đô Lương) tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Khánh Ly

Tuy nhiên, trên thực tế không phải đơn vị nào cũng có nguồn nhân sự đủ năng lực, sức khỏe để gánh trọn cả hai vai bí thư kiêm xóm trưởng. Vì thế, Huyện ủy Đô Lương chủ trương tạo điều kiện để các tổ chức đảng cơ sở tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương bố trí các hình thức kiêm nhiệm như: Phó bí thư chi bộ làm xóm trưởng, chi ủy viên làm xóm trưởng, đảng viên làm xóm trưởng... Đến thời điểm này, toàn huyện có 36 đơn vị xóm có phó bí thư chi bộ làm xóm trưởng, 9 đơn vị có chi ủy viên làm xóm trưởng, 6 đơn vị có đảng viên làm xóm trưởng.

Theo lãnh đạo cấp ủy các địa phương, hình thức kiêm nhiệm này không chỉ đảm bảo cơ cấu bộ máy gọn nhẹ mà chế độ đãi ngộ cũng được nâng lên so với không kiêm nhiệm, tạo động lực cho cán bộ khối xóm trong quá trình công tác. Mặt khác, việc bố trí đảng viên làm xóm trưởng tạo được sự thống nhất, nhanh chóng, kịp thời trong triển khai các chủ trương, kế hoạch ở khối xóm vì xóm trưởng  được trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến ngay từ đầu  vào các nghị quyết của chi bộ. Ngược lại, thông qua đảng viên là xóm trưởng, chi ủy chi bộ sẽ nắm bắt kịp thời tình hình trong thôn xóm từ đó việc xây dựng và ban hành nghị quyết chi bộ sẽ sát thực tiễn hơn.

Thực tế có những người “vác tù và” dù không phải là đảng viên nhưng vẫn rất nhiệt tình, trách nhiệm nhưng ở đâu có trưởng xóm là đảng viên, việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ thuận lợi và nhanh hơn; phát huy được vai trò trách nhiệm đảng viên gắn với lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở, hạn chế mất đoàn kết hoặc thiếu thống nhất do “vênh nhau” giữa xóm trưởng, bí thư chi bộ hoặc chi ủy chi bộ với ban cán sự xóm trong lãnh đạo, điều hành các phong trào ở thôn xóm…

Khó khăn do thiếu nguồn

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng tỷ lệ đảng viên là xóm trưởng nhưng đến nay trên địa bàn huyện Đô Lương vẫn còn 83 quần chúng đang làm xóm trưởng thuộc 22 đơn vị cấp xã. Trong đó, xã Giang Sơn Đông 12 người, xã Trù Sơn 9 người, xã Nhân Sơn 7 người, xã Quang Sơn 5 người….

Lý giải về điều này, lãnh đạo Đảng ủy xã Giang Sơn Đông (địa bàn còn 12 xóm trưởng chưa phải là đảng viên) cho biết: Trở ngại lớn nhất vẫn là nguồn nhân sự. Hiện nay ở nông thôn, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa đông, công tác phát triển đảng hàng năm gặp khó, thực trạng “già hóa đảng viên” khiến một số chi bộ không giới thiệu được đảng viên đảm bảo các điều kiện ra “tranh cử” trưởng xóm.

Một số đảng viên được giới thiệu thì trình độ, năng lực lẫn độ tín nhiệm không bằng quần chúng nên xảy ra tình trạng “ đảng cử mà dân không bầu”. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền chưa chủ động trong tạo nguồn cán bộ thôn xóm, chủ quan, không bám nắm, sâu sát cơ sở, nhận định sai tình hình nhân sự đắc cử. Vì vậy, nhiệm kỳ  2015 - 2017, trên địa bàn xã Giang Sơn Đông chỉ có 4 đơn vị bầu được bí thư kiêm xóm trưởng. Do vậy, bài học kinh nghiệm rút ra là phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ thôn xóm căn cứ vào đặc điểm của từng đơn vị; thực hiện sâu sát, nhuần nhuyễn các bước, quy trình nhân sự đại hội chi bộ và bầu  xóm trưởng.

Tương tự, xã Quang Sơn có 11 chi bộ nông thôn với số lượng đảng viên khá đông là 230 đồng chí, thế nhưng trong nhiệm kỳ 2015 - 2017 chỉ có 1 đơn vị cơ cấu được bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng đạt tỷ lệ 9,1%, có 4 đơn vị phó bí thư kiêm xóm trưởng đạt tỷ lệ 36,4%, có 6 đơn vị xóm trưởng là quần chúng chiếm tỷ lệ 54,5%. Theo ông Lê Văn Vĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn, nguyên nhân là do một số đảng viên trẻ có năng lực, trình độ chỉ lo làm kinh tế, không gắn bó với địa bàn. Một số chi bộ đảng viên nông thôn tuổi cao, sức yếu, đảng viên hưu trí có năng lực, trình độ thì không mặn mà với hoạt động “vác tù và” thôn xóm, tìm mọi cách để trốn tránh. “Đảng ủy đã có giải pháp bố trí một số cán bộ trẻ bán chuyên trách cấp xã định hướng cơ cấu bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng một số đơn vị nhưng khi ra ứng cử trước xóm, số phiếu đạt thấp, không trúng xóm trưởng” - ông Vĩnh giãi bày.

Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn, Đô Lương trao đổi với dân. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, còn nguyên nhân xuất phát từ việc một số cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng nhất là từ đội ngũ xóm trưởng là quần chúng. Một số xóm trưởng có uy tín với dân, năng lực, nhiệt tình có chí hướng phấn đấu nhưng không đủ tiêu chuẩn vào Đảng do vi phạm chính sách dân số hoặc trình độ văn hóa thấp. Đó là chưa kể tại một số địa bàn, cán bộ đảng viên và người dân vẫn còn nặng tư tưởng cục bộ, dòng họ trong bầu cử khiến quá trình lựa chọn nhân sự gặp khó khăn. Do vậy, một số địa phương đề nghị nên phải vận dụng linh hoạt chứ không nên cứng nhắc trong thực hiện chủ trương chọn xóm trưởng là đảng viên

Nâng tỷ lệ xóm trưởng là đảng viên

Từ thực tiễn ở cơ sở, trong định hướng cơ cấu tổ chức bộ máy chi bộ, xóm khối trong nhiệm kỳ 2017-2020, BTV Huyện ủy Đô Lương quyết định ở những chi bộ có nguồn cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực và uy tín trong nhân dân cao vẫn tiếp tục cơ cấu bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, chi ủy viên kiêm công an viên, xóm phó hoặc thôn đội trưởng.

Ở những nơi không đủ điều kiện và không có nguồn thì bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, phó bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng. Ở những địa bàn đặc thù, khó khăn thì vẫn cơ cấu bí thư chi bộ riêng, xóm trưởng riêng nhưng phải lựa chọn quần chúng có năng lực, chí hướng phấn đấu và động cơ phấn đấu vào đảng làm khối, xóm trưởng. Đối với trường hợp này thì bí thư chi bộ sẽ kiêm trưởng ban công tác mặt trận và phó bí thư chi bộ kiêm công an viên hoặc xóm phó.

Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết: Việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh ở thôn xóm cũng như phủ sóng xóm trưởng là đảng viên là phù hợp với thực tiễn và chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng ở cơ sở. Vì vậy, BTV Huyện ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện nhất là tại 22 đơn vị đang có số lượng xóm trưởng là quần chúng chiếm số lượng lớn, phấn đấu nhiệm kỳ 2017-2020 có khoảng 70 - 80% xóm trưởng trên địa bàn là đảng viên.

Đối với 9 đơn vị chỉ còn 1 - 5 xóm trưởng là quần chúng, BTV Huyện ủy yêu cầu trong nhiệm kỳ 2017 - 2020 phải lựa chọn cơ cấu nhân sự đảm bảo 100% xóm trưởng là đảng viên. “Nơi nào thực hiện không tốt thì không chỉ địa phương mà các đồng chí Thường vụ Huyện ủy được giao cụm trưởng, điểm trưởng phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể tại địa phương phải phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những quần chúng có triển vọng, nhất là đội ngũ xóm trưởng chưa là đảng viên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của chi bộ thôn xóm”, đồng chí Trương Hồng Phúc khẳng định.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN