Đi dọc tuyến đê biển đến bãi đá ngầm thuộc thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, những ngày gần đây, từng nhóm người tập trung ở bãi biển để câu loại cá hiếm mà chỉ có mùa mưa mới xuất hiện.
Tại bãi đá ngầm, các "cần thủ" chủ yếu là chị em, mỗi người cầm trên tay chiếc cần bằng thân tre tự chế dài khoảng 3 – 4 mét và những chiếc rọ đeo thắt ngang eo để đựng cá.
Chị Nguyễn Thị Mỹ ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) phấn khởi khi vừa đặt cần xuống biển đã câu lên một con cá sủ vòi nặng 700 gam. Chị cho biết: “Sau khi cơn bão số 5 đi qua, từ hôm qua đến nay, người dân đổ xô đến bãi đá ngầm ở xã Quỳnh Long để câu cá. Từ một vài người câu và phát hiện có cá hiếm nên báo tin cho nhau biết và hôm nay phải có khoảng hơn 10 người đi câu”.
Theo các "cần thủ", để câu được cá sủ vòi, trước hết chị em phải là người có kinh nghiệm đi câu; riêng với loại cá này phải câu ở sát cạnh bãi đá ngầm vì chúng di chuyển vào đây để ẩn nấp sau những ngày biển động. Khi câu cần phải kiên trì bởi cũng có ngày cá di tản nhiều nơi nên không mắc lưỡi câu.
Mồi để dùng cho câu cá sủ vòi là tôm biển, tép biển. Trên mỗi cần câu, người dân dùng 1 đoạn dây cước dài 3 - 5 mét cột 2 lưỡi câu và một miếng chì để tạo độ chìm khi thả mồi xuống nước.
Theo người đi câu cho biết, nếu gặp may một ngày họ có thể câu được 5 – 6 kg cá sủ vòi; cá này hiện được bán với giá 150.000 đồng/kg, như vậy mỗi "cần thủ" thu về gần 1 triệu đồng/ngày. Riêng trước đó, có người câu được hơn 10 kg cho thu nhập khá cao.
Vào tháng 9 – 10 dương lịch, cá sủ vòi xuất hiện ở ven bờ nên đây là mùa ngư dânvùng biển có thêm thu nhập từ nghề câu cá. Hết mùa, các "cần thủ" này sẽ di chuyển đến vùng biển khác để câu cá mú, cá vược, cá đục...
Sau khi người dân câu được cá lên bờ, những người khách qua đường dừng chân để chọn mua cá về ăn. Được biết, thịt cá sủ vòi khi chế biến thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, cá này thường được các nhà hàng đặt mua, còn trên thị trường rất hiếm.