Vào phòng cách ly điều trị
...Trường hợp nghi ngờ đầu tiên mà báo chí ở Nghệ An tiếp cận để đưa thông tin là chị H.T.T (42 tuổi, xã Châu Kim, huyện Quế Phong) vào chiều ngày 31/01/2020. (Chị T là lao động về từ Trung Quốc vào ngày 18/01/2020; đến ngày 28/01/2020, chị xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm và tự bắt xe xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh khám và vào phòng cách ly). Đó là lúc đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đến viện để thăm, động viên bệnh nhân và kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Bệnh viện.
Theo chân đoàn công tác có tất cả 6 phóng viên, trong đó có 3 phóng viên Báo Nghệ An. Thời điểm đoàn đến, bệnh nhân H.T.T đã được cách ly tại 1 phòng riêng biệt của khu cách ly Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Trước khu cách ly, Bệnh viện đã bố trí một số dung dịch rửa tay, nón giấy y tế và khẩu trang y tế dùng một lần cho đoàn. (Lúc này, đồ bảo hộ y tế đang là món hàng hiếm, cực kỳ xa xỉ ngay cả đối với bác sĩ điều trị trực tiếp ở bệnh viện lớn nhất tỉnh. Giá 1 bộ đồ bảo hộ rơi vào khoảng 750.000 đồng, không rẻ như bây giờ).
Ban đầu, anh em phóng viên cũng tự an ủi: “Kiểm tra chắc cũng chỉ đứng từ xa. Anh em đứng từ xa quay, chụp tác nghiệp cũng được”. Thế nhưng, suy nghĩ đó nhanh chóng bị “phá sản” khi 2 đồng chí Phó ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bùi Đình Long -Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế đã trực tiếp vào phòng cách ly điều trị. Như một bản năng, tất cả phóng viên đều “lao” theo vào phòng cách ly. Trong tư duy chỉ còn một suy nghĩ duy nhất: “Làm sao để có thông tin chân thực nhất”. Không một ai còn nhớ liệu ở trong phòng cách ly điều trị mình có đảm bảo đứng cách xa bệnh nhân 2m theo quy định, mình có chạm vào bất cứ thứ gì ở trong phòng cách ly điều trị hay không?...
Cả tỉnh ngóng chờ kết quả xét nghiệm của bệnh nhân H.T.T từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong đó các phóng viên có lẽ là người nóng lòng nhất. Tâm lý được giải tỏa khi vào sáng 01/02/2020, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thông tin: Kết quả xét nghiệm của Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân H.T.T âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân chỉ mắc cúm B thông thường.
Sau chuyến “không mặc đồ bảo hộ vào phòng cách ly điều trị” này, phóng viên đã rút được bài học kinh nghiệm quý báu cho mình: Cần chủ động chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế tác nghiệp khi tiếp xúc gần trường hợp nghi ngờ... Sau chuyến này, chúng tôi đã được cơ quan báo cấp đầy đủ đồ bảo hộ (áo, quần, găng tay chân, kính mắt), tạo sự an tâm để tiếp tục “bám” các khu, phòng cách ly đặc biệt.
Phải chấp nhận là người đơn độc
Một chuyện chúng tôi muốn nhắc lại, trong 2 ngày (5 - 6/02/2020), Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Nghệ An công tác tại thành phố Vinh, huyện Nam Đàn và thị xã Cửa Lò. Cũng trong thời gian này, Đoàn công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Nghệ An (có sự tham gia của 01 cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng vào làm việc với UBND tỉnh bàn về chủ trương tổ chức Lễ hội Hương Sen xứ Nghệ. Các cơ quan báo chí, truyền thông ở Nghệ An đều cử phóng viên đưa tin về 2 chuyến công tác này.
Ngày 7/3/2020, Việt Nam công bố ca mắc bệnh thứ 17. Người mắc Covid-19 về từ Vương quốc Anh, bay trên chuyến bay VN0054. Cùng bay trong chuyến này có đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một thành viên trong đoàn công tác của Bộ (bệnh nhân số 21) đã lây nhiễm Covid-19. Trong đoàn công tác của Bộ vào Nghệ An làm việc, có một số cán bộ cũng bay từ Anh về trên chuyến bay VN0054...
Khi thông tin được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia công bố, ngay lập tức, tỉnh Nghệ An lên danh sách những người đã có tiếp xúc cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trong đó có các phóng viên). Tất cả những người có tiếp xúc cùng đoàn công tác đã thực hiện cách ly tại nhà.
Khi danh sách những người ở tỉnh Nghệ An có tiếp xúc, làm việc cùng đoàn công tác của Trung ương nói trên được đăng tải lên mạng xã hội, thực tế đã xuất hiện sự kỳ thị, lời ra tiếng vào, tạo áp lực lên những người có liên quan và người thân của họ. Có phóng viên đưa tin về cuộc làm việc khi về quê để tự cách ly thì bị họ hàng “cảnh giác”, giữ khoảng cách cả nghĩa đen, nghĩa bóng.
Tuy nhiên, tất cả phóng viên đều hiểu rõ, thông cảm về nỗi lo lắng, sợ hãi dịch Covid-19 của người dân. Song vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn tủi. Nhưng cũng từ đó, có phóng viên đã viết nên bài báo có nội dung rất tốt, kịp thời về sự kỳ thị và tự kỳ thị, trong đó nói lên được sự kỳ thị chỉ khiến những người liên quan, về từ vùng dịch mặc cảm, giấu khai báo thông tin y tế, tự kỳ thị bản thân để rồi gây nên những nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống.
Thật vui, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của các thành viên đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư được công bố đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả này đã giải phóng tất cả những cảm xúc tiêu cực trong mỗi người liên quan. Các phóng viên theo dịch Covid-19 như thêm hăng hái, vững tin hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Và sau đợt đó, mỗi phóng viên đều tự xác định cho mình: Làm nhiệm vụ đưa tin chống dịch, trong nhiều tình huống cần phải chấp nhận là... người cô độc.
Cô độc nhưng không đơn độc. Trên cả nước nói chung và ở Nghệ An nói riêng, ngày càng có nhiều phóng viên cùng tham gia, dấn thân vào “cuộc chiến” chống Covid-19. Ở Báo Nghệ An, không còn riêng ai mà tất cả phóng viên đều hăng hái tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, cổ vũ cho hoạt động vừa chống dịch, vừa sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà... Đi nhiều, chứng kiến nhiều, gặp gỡ nhiều, phóng viên của báo Đảng thấu hiểu thêm những khó khăn trên mặt trận phòng chống dịch. Có những phóng viên đã chủ động kết nối, kêu gọi những nhà hảo tâm, tổ chức tôn giáo quyên góp, ủng hộ vật tư thiết yếu cho những đơn vị, cơ sở làm nhiệm vụ trên tuyến đầu./.