(Baonghean) - Quỳnh Lưu là địa phương có truyền thống phát triển mạnh nghề khai thác thuỷ hải sản biển, chính vì vậy đã hình thành nhiều cơ sở chế biến hải sản tại địa phương, góp phần làm phong phú sản phẩm từ biển và nâng giá trị thu nhập cho người lao động.
 
Từ Thị trấn Cầu Giát, chúng tôi xuôi xuống vùng biển Quỳnh Long, Quỳnh Thuận - nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản, các cơ sở này đều nằm gần bến cá nên rất thuận lợi trong việc thu mua nguyên liệu. Tàu cá của anh Hồ Tuyến ở xã Quỳnh Nghĩa vừa cập bến Lạch Quèn, ngoài sản lượng cá, mực chất lượng cao được các tư thương mua đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng tươi sống, có khoảng 5 tấn cá cơm bán cho doanh nghiệp chế biến. Anh Tuyến chia sẻ: Hiện nay có nhiều doanh nghiệp thu mua hải sản để chế biến cá hấp sấy, nước mắm, bột cá… giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm nhanh, giảm tổn thất và hạn chế được tình trạng ép giá. Đó cũng là động lực giúp chúng tôi yên tâm bám biển khai thác nhiều hải sản vì không lo khó đầu ra.
 
images963317_3b.jpgChế biến nước mắm tại Công ty CP Thuỷ sản Quỳnh Lưu.
 
Tại Tổ hợp chế biến cá Hương Trường, thôn Đức Long xã Quỳnh Thuận, tranh thủ trời nắng, sản phẩm cá cơm được công nhân đem phơi đầy sân. Chị Nguyễn Thị Hương - chủ tổ hợp cho biết: chúng tôi thường xuyên thu mua cá tươi ở bến, sau đó hấp sấy, phơi khô phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa và xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Nguồn nguyên liệu chủ yếu gồm cá cơm và cá đốm, mỗi năm thu mua 200 - 300 tấn cá tươi, chế biến được 120 tấn cá khô. Tuỳ từng thời điểm giá thu mua cá cơm tươi bán tại bến từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, cá đốm 8.000 - 10.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, cá cơm khô bán ra từ 40.000 - 55.000 đồng/kg, cá đốm 18.000 - 22.000 đồng/kg, trừ các chi phí thuê mặt bằng, tiền điện, trả lương công nhân, mỗi năm lãi ròng hơn 150 triệu đồng. Tuy vậy, hiện nay nhiều cơ sở thu mua cá chế biến cũng tạo áp lực cạnh tranh về giá, ngư dân có lợi hơn còn doanh nghiệp thì khó thu mua hơn trước đây. 
 
Công ty CP Thuỷ sản Quỳnh Lưu có bề dày chế biến nước mắm trên 50 năm, hàng năm thu mua từ 500 - 600 tấn cá và 300 - 500 tấn muối. Nhờ địa thế nằm tại cảng cá Lạch Quèn nên việc thu mua nguyên liệu khá tiện lợi, nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng tươi ngon, giúp Công ty chế biến nước mắm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước mắm truyền thống của người tiêu dùng. Doanh nghiệp này ngày càng nâng sản lượng chế biến, giảm tổn thất cho người đi biển. Đơn vị có đội ngũ thường xuyên bám các bến cá, thu mua cá từ bến cá Lạch Quèn đến Lạch Cờn, và mua ngoại tỉnh ở Thanh Hoá, các tỉnh phía Nam, nguồn nguyên liệu chủ yếu là cá cơm và các đốm. 
 
Với khoảng 400 ô bể chế biến chượp nước mắm có sức chứa khoảng 1.500 tấn nguyên liệu, mỗi năm Công ty CP Thủy sản Quỳnh Lưu chế biến được 600.000 - 800.000 lít nước mắm cung cấp cho thị trường tỉnh Nghệ An, tổng doanh thu hàng năm đạt 6,5 tỷ đồng. Từ thời điểm tháng 4 đến cuối tháng 10 là thời gian cao điểm thu mua nguyên liệu, bởi giai đoạn mùa hè nắng nóng rất thuận lợi cho việc phơi chượp chín đều, cho nước mắm ngon. Ngoài ra, đơn vị còn sản xuất mắm tôm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, hàng năm vào dịp tháng 6 nguồn nguyên liệu ruốc dồi dào, công ty thu mua hàng trăm tấn nguyên liệu tại bến, trực tiếp sản xuất bán cho người dân.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có thêm nhà máy chế biến bột cá Hải An hoạt động từ năm 2012, mỗi năm thu mua khoảng 8.000 - 9.000 tấn nguyên liệu phục vụ chế biến bột cá. Các loại cá giá trị thấp được nhà máy thu mua chế biến, bất kể tàu thuyền của ngư dân cập bến vào thời điểm nào, không kể ngày hay đêm đều có người của nhà máy trực tiếp thu mua cho dân, giúp ngư dân tận thu được giá trị kinh tế từ khai thác biển, cải thiện đời sống gia đình, yên tâm bám biển dài ngày.
 
Theo ông Bùi Xuân Trúc - Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu: Toàn huyện có 1.157 chiếc tàu thuyền, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 42.000 tấn. Tính riêng năm 2013, giá trị khai thác thuỷ hải sản đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, chế biến đông lạnh đạt 1.760 tấn, phơi khô hấp sấy 895 tấn, chế biến nước mắm 2.300.000 lít, sản xuất hàng ngàn tấn bột cá … Nghề chế biến thuỷ hải sản phát triển góp phần nâng giá trị sản phẩm, chế biến phong phú hàng hoá từ sản vật của biển, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đa dạng của khách hàng, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Huyện khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Đó là giải pháp vừa nâng giá trị kinh tế, vừa tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích,thúc đẩy nghề biển phát triển bền vững.
 
Quỳnh Lan