Muốn thay đổi kinh tế đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, chúng ta không thể buông nhiệm vụ “công nghiệp hóa nông nghiệp Việt Nam” và bắt đầu lại ngay ở đường lối giáo dục quốc gia.
 
Trong ngắn hạn ví dụ 10 năm mà Việt Nam không phát huy lợi thế cạnh tranh trong nông nghiệp để vươn ra thế giới, thì một lần nữa, chúng ta vuột mất cơ hội. 
 
Năm tới (2015), chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Vậy thì trong thời gian 4 thập kỷ đó, những thành tựu quan trọng của chúng ta là gì, và những gì sẽ là thách thức quan trọng sắp tới? Ở đây, trong bài báo ngắn này, không thể kể hết những thành tựu. Còn thách thức tiếp theo là làm thế nào tối ưu hóa các thành tựu đó để phát triển nền kinh tế một cách bền vững.
 
Theo chúng tôi, trước hết, hãy nói về  lợi thế cạnh tranh khả dĩ bền vững nhất, đó là nông nghiệp. Tại sao?
 
Vì, bất chấp là một xứ sở “đất chật người đông”, Việt Nam vẫn là đất nước lý tưởng để phát triển các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu. Trong 10 năm gần nhất, các sản phẩm như gạo, cà phê, điều, tiêu là ví dụ hiển nhiên cho thấy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chiếm được chỗ đứng trên thị trường thế giới khá tốt .
 
Đa số người dân Việt Nam, quen lao động cần cù, khó nhọc, biết dựa vào quy luật tự nhiên và luôn mong muốn một nền hòa bình để xây dựng cuộc sống khá hơn. Với tỉ lệ biết chữ lên đến 98%, lẽ ra trong số đó rất nhiều nông dân có vốn học vấn căn bản khả dĩ tiếp cận với công nghệ mới, giống mới và thiết bị mới.
 
Cũng có giáo sư nổi tiếng về nông nghiệp trên thế giới khi đến Việt Nam nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ đều có nhận xét chung là: Người nông dân Việt Nam thông minh và chịu khó học hỏi, so với nông dân các nước đang phát triển khác ở… châu Phi. GS Võ Tòng Xuân từng đưa các lão nông Việt Nam sang châu Phi dạy trồng lúa mà! Tuy nhiên, như GS Võ Tòng Xuân, nhà nông học có uy tín, nhận định: Thực tế thì con số 98% chưa thực chất, chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng xuống cấp. Chương trình phổ thông quá nặng, học chủ yếu để đi thi rồi quên chứ không để áp dụng trong thực tế. Nếu như vậy thì con số 98% dân số biết chữ này cũng không đào tạo ra nhiều nông dân có nền tảng văn hóa cơ bản cho phát triển nông nghiệp hiện đại. Chúng ta còn phải làm nhiều hơn cho chính sách giáo dục về nông nghiệp Việt Nam.
 
Trong khi đó, thời tiết tại Việt Nam không quá khắc nghiệt để có thể phát triển một nền nông nghiệp đủ lớn như nguồn lực có sẵn. Hai đầu tàu phát triển nông nghiệp ở hai đầu đất nước là vựa lúa sông Hồng và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long thậm chí có thể kéo cả con tàu kinh tế Việt Nam nếu chúng ta biết cách vận hành một cách tối ưu. Tuy vậy hiện nay vựa lúa sông Hồng vẫn luôn thiếu ăn, nên nông dân không giàu nếu không trồng cây có giá trị cao và phù hợp thời tiết đất đai của miền Bắc.  Theo lí thuyết kinh tế “đầu tàu phát triển”, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung đa phần nguồn lực vào đầu tàu đồng bằng sông Cửu Long, một cách thực tế hơn nữa. 
 
Hiện nay chi phí nhân công trong lãnh vực nông nghiệp không còn thấp (để tạo thành một lợi thế) GS Võ Tòng Xuân nhận định: "Nhân công ngày nay rất cao, cho nên các chủ ruộng phải nhờ vào lực lượng cơ khí mới chịu nổi chi phí. Thí dụ: Gặt lúa bằng tay phải tốn nhân công khoảng 5 triệu đồng, trong khi gặt và đập bằng máy chỉ tốn 2,5 triệu đồng".  Chính vì vậy con đường công nghiệp hóa nông nghiệp là giải pháp lớn để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế và nội địa. Liên quan đến vấn đề này là đất đai đủ lớn cho sản xuất lớn - một chiến lược mà các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp phải đối mặt với hệ thống pháp luật và pháp lí hiện tại.
 
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở nông thôn trong hai thập kỉ qua đã cải thiện đáng kể. Tính bền vững chính trị ở cấp địa phương cũng là một điểm mạnh, và lẽ ra có thể tốt hơn, nếu giảm thiểu nạn tham nhũng và phiền hà... 
 
Mặc dù vẫn còn nhiều phê phán các chính sách của Chính phủ về nông nghiệp nông thôn, nhưng về xu hướng, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Nói thế chứ thực tế đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng. Điều lo lắng là tỉ trọng đầu tư từ các nguồn đều có khuynh hướng giảm dần đều qua các năm cùng với đà sụt giảm đáng lo ngại của nền nông nghiệp nước nhà. Theo số liệu báo cáo thì hiện nay đầu tư nông nghiệp còn khoảng 3%/GDP nhưng ngay nguồn đầu tư đó cũng không rõ ràng cho mục đích tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp và cải thiện cuộc sống nông dân, đôi khi còn rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”. GS Võ Tòng Xuân cho một ví dụ về cách đầu tư không hiệu quả: “Vùng mặn của bán đảo Cà Mau bị ngọt hóa với kinh phí đầu tư quá lớn đã tác hại đến tiềm năng nuôi cá tôm, mà sản xuất lúa cũng bị tổn hại”.
 
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp
 
             Thời kỳ                                            Tốc độ tăng trưởng/năm
 
            1995-2000                                                           4%
 
             2000-2005                                                          3,7%
 
              2006                                                                    2,8%
 
              2007                                                                    2,3%
 
              2011                                                                     2,4-2,6%
 
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)
 
Tỉ lệ đầu tư vào nông nghiệp
 
            Thời kỳ                                                 Tỉ lệ đầu tư nông nghiệp/tổng đầu tư xã hội
 
             2000                                                                      13,85%
 
            2005                                                                       07,5%
 
            2008                                                                      06,45%
 
             2009                                                                       06,26%
 
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)
 
Chúng ta cũng đã xây dựng được một danh tiếng toàn cầu về gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy hải sản trong thời gian đầu chúng ta hội nhập vào thị trường thế giới. Tuy vậy, danh tiếng còn dừng lại ở  khối lượng, chứ không phải về chất lượng, đôi khi còn bị kiện vì giá bán rẻ. “Nói cách khác, hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đều thấp. Đây là đặc tính cần phải cải tiến trong tương lai nếu muốn tăng cường năng lực cạnh tranh trong thế giới hội nhập và mậu dịch tự do,” GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
 
5P trong nông nghiệp: Nếu lấy mô hình 5P thì chúng tôi mạo muội đưa ra các ý tưởng sau:
 
 a/ P1- Sản phẩm: Các cơ quan khuyến nông có thể giúp nông dân áp dụng kỹ thuật GAP một cách chặt chẽ, không làm theo tập quán (kinh nghiệm) cũ để nâng cao hàm lượng chất xám trong các sản phẩm. Các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp phải đưa ra được lộ trình cho vấn đề này, tất nhiên kèm theo kinh phí nhất định. Đây là điểm nằm trong tầm tay của Chính phủ. Nông dân và những nhà đầu tư vào nông nghiệp cần được các cơ quan khuyến nông của Bộ NNPTNT khuyến cáo về chọn  hạt giống mới có năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn, có tính bền vững hơn (sử dụng ít nước , tăng trưởng nhanh hơn, có thể phát triển trên đất ít màu mỡ). Ngoài ra cũng cần theo chuẩn mực thế giới như thông số về sản xuất xanh. Ngoài ra phải xây dựng cho được thương hiệu của thành phẩm. Mặt hàng gạo xuất khẩu ít có thương hiệu vì các công ty lương thực phần lớn không có vùng nguyên liệu mà chỉ mua lại gạo nguyên liệu do hàng trăm thương lái thu gom, chất lượng không đồng nhất.
 
b/ P2- Giá: Làm thế nào để giảm chi phí sản xuất bằng cách áp dụng qui trình GAP (không bón phân quá nhiều, sạ quá dầy) để ít tốn tiền mua phân, mua thuốc, ít tốn công áp dụng phân , thuốc, giảm thiểu lượng khí nhà kính bốc lên từ ruộng lúa làm trầm trọng thêm tình hình biến đổi khí hậu. Chính phủ và Hiệp hội ngành nghề có thể giúp cải thiện lợi nhuận cho nông dân bằng việc tìm mọi cách hạ giá logistics, và có thể bán giá cao hơn trong khi chi phí sản xuất không tăng.
 
c/ P3- Vị trí : Khâu phân phối ra thị trường phải cải thiện triệt để theo tiêu chí nhanh hơn để tiếp cận thị trường với chi phí thấp và với chất lượng tốt hơn.
 
d/P4- Khuyến mại:Chính phủ và các cơ quan chuyên môn về xúc tiến quốc gia có thể giúp thực hiện các chiến dịch tiếp thị và PR. Tất nhiên, tiền đề là phải có sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao. Cơ quan xúc tiến thương mại phải năng động đi tìm hoặc mở thị trường mới cho nông sản chế biến của VN. Ví dụ như những câu chuyện OTOP của Thái Lan (1).
 
 e/P5- Con người ở đây là nông dân. Chính phủ phải tạo điều kiện cho nông dân (với khát vọng thoát nghèo mãnh liệt) tham gia sản xuất các sản phẩm thích hợp với thị trường bằng công nghệ mới, giống mới. Nông dân phải được quyền tiếp cận thông tin nhiều hơn, kể cả thông tin về quy hoạch đất đai, giá cả đền bù…
 
Hiện nay chúng ta đang cùng các quốc gia đối tác thảo luận TPP ( Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương), hy vọng rằng những nhà đàm phán của chúng ta sớm đạt được thỏa thuận cùng các nền kinh tế hùng mạnh hơn, các thị trường lớn hơn hầu có thể dung nạp các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam.
 
Thay cho kết luận của bài báo ngắn này là các gợi ý tập trung, nghĩa là bắt đầu từ đâu?
 
a/ Phải bắt đầu từ giáo dục, có các chiến lược đào tạo tập trung vào nông nghiệp. Thực tế đáng buồn hiện nay là các sinh viên học lực thấp thường chọn thi vào các đại  học nông nghiệp.
 
Làm sao thay đổi nhận thức đó trong xã hội? Câu trả lời là phải bắt đầu từ các nhà hoạch định chính sách giáo dục quốc gia. Trước mắt, Chính phủ có thể tạo các học bổng ưu tiên cho sinh viên tại các trường nông lâm và thủy sản. Cải tiến giáo trình cấp tiểu học và trung học cơ sở làm sao cho các em thấm sâu trong tâm hồn về một đất nước nông nghiệp còn nghèo, nhưng có tiềm năng phát triển, với vai trò trọng tâm là thế hệ trẻ. Các chính sách giáo dục truyền thông cần thường xuyên hơn, ví dụ độ dày của tin tức về chính sách, về các nhà lãnh đạo đi thăm, động viên, huấn thị trong lãnh vực nông nghiệp phải tương ứng với các sự kiện chính trị khác trên phương tiện truyền thông của nhà nước. Kể cả những thông tin về cơ hội việc làm trong các chương trình đầu tư cho nông nghiệp.
 
Hiện nay  chúng ta thường thấy mỗi khi có thiên tai, bão lũ thì các phương tiện truyền thông dồn dập thông tin về các chuyến đi thực tế của lãnh đạo và Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương. Chắc chắn người dân mong rằng lãnh đạo cao nhất thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện bình thường khác (không phải khi có khủng hoảng) có liên quan nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chẳng hạn vào vụ mùa bội thu hay vụ xuống đồng. v.v. Đó không phải là “hình thức tuyên truyền” mà là một thông điệp cổ vũ hành động khiến nông dân-phần đa số của dân số- và các nhà đầu tư vào nông nghiệp (kể cả những cơ quan quản lí vốn nhà nước ở lãnh vực này) sẽ có lòng tin và hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
 
b/ Xác định lại chiến lược sản xuất: Với nguồn lực sẵn có, chính phủ (cụ thể là Bộ NNPTNT) hoàn toàn có thể hỗ trợ và thúc đẩy sự tăng trưởng trong nông nghiệp, cải thiện cuộc sống nông dân. Gs Võ Tòng Xuân cho rằng chúng ta cần nhấn mạnh yếu tố thị trường. Nghĩa là việc quy hoạch sẽ không theo cảm tính chỉ tiêu nữa mà phải theo tín hiệu thị trường đang đòi hỏi, hoặc thị trường có thể được mở mới.
 
c/ Để tăng năng lực cạnh tranh (nội địa hay toàn cầu) chúng ta cần thiết phải có các chiến dịch tiếp thị quốc gia. Trước mắt cần tham gia thường xuyên các triển lãm nông nghiệp khu vực và thế giới với mục tiêu rõ ràng là đẩy mạnh các thương hiệu địa phương đã được xây dựng. Có quá nhiều bài báo nói về sự lãng phí hoặc không hiệu quả của các chương trình xúc tiến đầu tư… trong nhiều năm qua. Hãy dành chi phí đó cho tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
 
d/ Phát huy vai trò các hiệp hội như hiệp hội cà phê, gạo,… trong việc bảo vệ thu nhập và giá cả cho nông dân. Như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên từng đề xuất: Tại sao Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, không đứng ra đăng cai một hội nghị cà phê thế giới với mục đích thành lập “Hiệp hội Cà phê thế giới” mà Việt Nam có vai trò như Chủ tịch luân phiên?
 
“Nông nghiệp chính là lợi thế kinh tế căn bản của Việt Nam. Không ai nên quay lưng lại với lợi thế của mình cả"- (Tổng Giám đốc UNDP- Helen Clark).
 
Một điểm mà chúng tôi muốn “lặp lại” nơi đây chính là: Mặc dù trong các Nghị quyết phát triển của chúng ta gần đây có thay đổi cơ cấu theo hướng tăng tỉ lệ dịch vụ và giảm tỉ lệ nông nghiệp trong nền kinh tế, nhưng không có nghĩa là giảm các chính sách đầu tư nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nói nôm na cần tăng giá trị dịch vụ trong khu vực sản xuất nông nghiệp. Bởi vì như bà Helen Clark, Tổng Giám đốc cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP đã nói tại Hội thảo về cải cách kinh tế Việt Nam ở Hà Nội ngày 24/3/2014: “Nông nghiệp chính là lợi thế kinh tế căn bản của Việt Nam. Không ai nên quay lưng lại với lợi thế của mình cả.”
 
Tất cả những thông tin trên đây chỉ nhằm góp thêm một giọng trong bài hợp xướng quốc gia về vai trò của kinh tế nông nghiệp, nhằm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam, và trên hết là “trả lại cái gì của Cesar cho Cesar”. Hơn 70% dân số Việt Nam từ nông dân mà ra, và một khi công nghiệp hóa được nông nghiệp thì Việt Nam mới mong đạt được giấc mơ công nghiệp hóa cho dù vào năm 2020  hay xa hơn nữa.
 
Theo Chinhphu.vn