Hung thủ gây án với người thân
Những ngày tháng 6 ở vùng quê ở các xã Hưng Tân, Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) vốn yên bình bỗng dậy sóng khi trên địa bàn xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến 1 cháu bé 7 tuổi tử vong thương tâm. Điều đáng nói, thủ phạm bị nghi ngờ gây ra cái chết cho cháu bé không ai khác chính là mẹ ruột của cháu.
Theo đó, tờ mờ sáng ngày 8/5, khi anh H. người điều khiển chuyến tàu Bắc - Nam đang điều khiển tàu chạy trên cung đường sắt qua địa bàn xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) thì phát hiện có người nằm dưới đường sắt. Ngay lập tức, anh H. cho tàu dừng lại, rồi xuống kiểm tra thì bất ngờ thấy có một người đàn bà ôm đứa trẻ chạy ra khỏi đường sắt.
Đến trưa 8/5, lãnh đạo xã Hưng Tân cho biết, người phụ nữ ôm xác con lên đường sắt mà anh H. bắt gặp trú tại xã Hưng Tân. Sau khi phát hiện người mẹ ôm con bỏ chạy, người dân đã đuổi theo và giữ người phụ nữ này lại. Tuy nhiên, kiểm tra đứa trẻ bị người mẹ bỏ lại trong bụi cây thì cháu bé đã tử vong. Trên chiếc xe máy người phụ nữ bỏ lại hiện trường còn vương nhiều vết máu.
Trước đó, lúc 11 giờ 30 phút trưa 13/4, cháu D. (học tại Trường THPT Tân Kỳ) tan học về nhà tại xóm Đội Cung, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) thì thấy mẹ là Nguyễn Thị Đại (SN 1976) đang nằm úp dưới giường và đã tử vong trong vũng máu. Ra trước sân thì thấy bố là Thái Bá Tâm (SN 1973) tử vong dưới giếng. Quanh thành giếng có nhiều vết máu. Sau đó cháu đã hoảng hốt hô hoán chạy đi báo làng xóm. Người thân của nạn nhân cho biết, trước đó anh Thái Bá Tân đã có nhiều lần biểu hiện không bình thường về tâm thần. Ngay trước lúc xảy ra án mạng đau lòng nói trên, vợ anh Tân là chị Nguyễn Thị Đại đã gọi điện thoại cho người thân bày tỏ lo lắng về bệnh tâm thần của chồng trở nặng, và dự định sẽ đưa chồng đi khám tại bệnh viện. Song chị Đại chưa kịp thực hiện thì sự việc đau lòng xảy ra.
Những vụ trọng án khiến nhiều người chết xảy ra thời gian gần đây cho thấy, bệnh lý tâm thần ở con người là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành động tội ác. Vì vậy, cộng đồng cũng như mỗi người dân cần nâng cao kiến thức hiểu biết về tình trạng bệnh lý tâm thần, từ đó có những biện pháp phòng ngừa, can thiệp kịp thời, giúp tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Bác sỹ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An Nguyễn Cảnh Hùng, ở con người có rất nhiều nhóm bệnh lý tâm thần khác nhau. Tuy nhiên, 2 nhóm bệnh lý tâm thần có nguy cơ cao dẫn đến các hành vi mất kiểm soát, thậm chí gây tội ác, giết người hoặc tự giết mình nếu mắc phải. Đó là những người mắc chứng tâm thần phân liệt và nhóm bệnh hoang tưởng. Trong đó, nhóm tâm thần phân liệt thường do nguyên nhân nội sinh, có thể là do di truyền, hoặc cơ thể con người vốn bình thường nhưng bỗng dưng bị tác động bởi một yếu tố khác khiến tâm trí bị ảnh hưởng, thay đổi mất kiểm soát. Còn đối với nhóm bệnh hoang tưởng thường do tác động của môi trường sống và sinh hoạt xung quanh, hoặc là do sử dụng các chất kích thích gây tác động theo chiều hướng tiêu cực đến hệ thần kinh con người.
Ví dụ như trường hợp liên quan đến vụ án mạng xảy ra tại huyện Tân Kỳ khiến 2 vợ chồng tử vong. Theo thông tin của cơ quan truyền thông và công an thì người chồng trước đó đã có những biểu hiện bị tâm thần, thường la hét, đập phá đồ đạc, chạy quanh vườn. Đây là biểu hiện của dạng tâm thần phân liệt. Chính người vợ trước khi xảy ra án mạng mà chính mình là nạn nhân đã gọi điện cho người nhà cho biết ý định đưa chồng đi chữa trị. Giá như người chồng được đưa đi điều trị sớm thì có lẽ đã không xảy ra sự việc đau lòng khiến 2 người mất mạng.
Vì vậy, bác sỹ Nguyễn Cảnh Hùng cảnh báo, điều quan trọng là người thân trong gia đình cần nắm rõ các biểu hiện của bệnh lý tâm thần ở người thân, để từ đó sớm có các biện pháp chữa trị, ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc. Thông thường, biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt thường bắt đầu từ những dấu hiệu nhỏ, thể hiện sự khác thường trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của con người.
Ví như tình trạng ít ngủ, mất ngủ diễn ra ngày càng nhiều, càng trầm trọng. Người bệnh thường đi lại nhiều và không chủ đích, các thao tác sinh hoạt hàng ngày giảm sút, dần mất tự chủ. Nếu là người còn lao động thì mức độ, tần suất không hoàn thành công việc ngày càng nhiều. Dấu hiệu quan trọng nữa cần nhận biết ở người bị bệnh tâm thần là việc ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp, kể cả người thân trong gia đình. Tình trạng nặng hơn sẽ có những biểu hiện hay cáu gắt, chống đối hoặc chủ động tấn công nếu có bất cứ tác động, hoặc yêu cầu nào từ phía người khác.
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh tâm thần là do sử dụng các chất gây nghiện, rượu, bia hoặc do bệnh tự phát nội sinh; hoặc do trí tuệ, thể chất kém phát triển. Một nguyên nhân khác nữa đó là do căng thẳng thần kinh sinh ra từ các tác động trong cuộc sống, công việc mà không được giải tỏa sớm, dẫn đến sốc tâm lý, trầm cảm.
Bác sỹ Nguyễn Cảnh Hùng nhấn mạnh, việc người bị bệnh tâm thần có những hành động gây tổn thương, gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân cũng như người bên cạnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, khi có người nhà có dấu hiệu bị bệnh, người thân không nên dùng các biện pháp về tinh thần, hoặc dựa vào tình thương yêu để điều trị, dỗ dành mà phải thuyết phục, hoặc cưỡng chế đi chữa trị tại cơ sở y tế có chuyên môn, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc như nhiều trường hợp dẫn đến án mạng trong thời gian vừa qua./.