(Baonghean) - Trong khi virus Zika đang làm cho cả thế giới quan tâm lo lắng bởi mức độ lây lan và ảnh hưởng trầm trọng của nó đến cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, thì ở Nghệ An đối tượng được coi là bị ảnh hưởng trực tiếp lại chưa hiểu biết nhiều về virus này để phòng tránh...
Phụ nữ mang thai lo lắng với Zika
Mỗi ngày, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh thực hiện khám, tư vấn cho khoảng 40 - 50 phụ nữ đang mang thai; cá biệt có ngày lên đến 100 người. Thường kỳ, các thai phụ đến đây khám thai đều mong muốn được tư vấn về dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho sản phụ và thai nhi. Thời gian gần đây, những thai phụ đến trung tâm đều đề đạt thêm nguyện vọng được tư vấn về biểu hiện và cách phòng bệnh Zika.
Tại trung tâm, chị Trần Thị Hoa ở xã Quỳnh Bảng, (Quỳnh Lưu) cho biết: “Em mới mang thai được 2 tháng, em xem trên phương tiện thông tin đại chúng được biết bà mẹ mang thai nếu mắc bệnh Zika thì có khả năng sinh con đầu nhỏ, em cũng rất hoang mang và lo lắng. Khi đến đây, em mong được các bác sỹ giải thích những thắc mắc, khuyến cáo cách phòng tránh bệnh”...
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Nghi Xá, (Nghi Lộc) cũng bày tỏ sự lo lắng và mong muốn được hiểu thêm về bệnh: “Nghe thông tin về bệnh Zika trên ti vi, em biết bệnh lây lan do muỗi; mong được bác sỹ tư vấn thêm về dịch bệnh do vi rút Zika và cách phòng tránh cũng như cách theo dõi xử lý khi có các triệu chứng mắc bệnh”.
Sự lo lắng của các thai phụ là hoàn toàn dễ hiểu, khi mà tính đến ngày 20/11 cả nước đã có tới 65 trường hợp nhiễm virus Zika. Đã có 1 em bé ở Đăk Lăk bị dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm Zika. Trong số 65 trường hợp nhiễm virus Zika thì TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với 57 người mắc. Đây cũng là địa bàn có số lao động Nghệ An làm việc lớn, có nguy cơ cao mang virus Zika về quê. Bên cạnh đó, Nghệ An là địa phương nằm ở vị trí trung chuyển, thuận lợi về giao thông cả về đường bộ, đường hàng không, cửa khẩu - rất khó khăn để thắt chặt kiểm soát, bao vây nếu có dịch xảy ra.
Đáp ứng nhu cầu của các thai phụ, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnhn đã tổ chức các lớp tiền sản tư vấn vào sáng thứ 3, 5 hàng tuần để bác sỹ truyền thông đầy đủ hơn cho thai phụ các kiến thức về bệnh do virus Zika.
Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm CSSKSS Nghệ An cho biết: “Ngoài những việc làm định kỳ dành cho phụ nữ mang thai đến khám tại trung tâm thì thời gian này chúng tôi còn đẩy mạnh việc lồng ghép truyền thông về virus Zika cho khách hàng. Đặc biệt hướng dẫn cách phòng tránh bệnh như: ngủ phải mắc màn, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy bằng cách vệ sinh môi trường, không để lu vại chứa nước trong vườn, nhà, không tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh truyền nhiễm.... |
Cần làm tốt hơn việc phòng chống dịch
Hầu hết các phụ nữ mang thai khi đến với Trung CSSKSS tỉnh - khi được hỏi về virus Zika đều không biết hoặc biết rất ít, mơ hồ. Và nếu biết thì chỉ cảm giác lo lắng chứ không có kiến thức để phòng tránh. Đây là thực trạng đáng lo, rất nguy hiểm nếu có dịch xảy ra trên địa bàn.
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân nhấn mạnh: Thực tế cho thấy công tác phòng virus Zika ở cộng đồng chưa thật tốt. Cụ thể là công tác truyền thông. Việc truyền thông cho người dân hiểu và chủ động phòng bệnh cần phải đi trước một bước và ưu tiên hàng đầu.
Phòng chống dịch bệnh do virus Zika, UBND tỉnh Nghệ An đã có Kế hoạch số 129 ngày 9/3/2016 về Hành động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thực hiện kế hoạch này, các cơ quan truyền thông, báo chí trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền các kiến thức về bệnh.
Bác sỹ chuyên khoa I - Nguyễn Thị Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Trung tâm đã chủ động lên kế hoạch sản xuất và phát hành xuống y tế cơ sở 26.000 áp phích và 237.500 tờ rơi về phòng chống dịch bệnh Zika, tổ chức 50 lớp truyền thông trực tiếp cho trên 400 người dân về bệnh Zika ở những vùng có nguy cơ cao; đăng tải các thông điệp về phòng chống dịch bệnh Zika trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở nhiều địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika cũng đã được quan tâm đẩy mạnh. Bác sỹ Nguyễn Đình Lưu - Giám đốc Trung tâm Y tế Yên Thành cho hay: “Thực hiện công văn chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Zika, trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện, các ban ngành và đoàn thể chủ động phòng chống như: Tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình, tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy (lăng quăng) phòng, chống muỗi đẻ trứng, tẩm màn phòng chống muỗi... ”.
Thông điệp phòng, chống bệnh nêu rõ: Phòng bệnh Zika cách tốt nhất là phòng chống muỗi đốt, bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi; bên cạnh đó tích cực dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch; thực hiện loại bỏ bọ gậy (lăng quăng) bằng việc đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước...
Kế hoạch số 129 của UBND tỉnh đặt ra 4 trường hợp tình huống dịch bệnh, tình huống nào cũng đặc biệt coi trọng công tác truyền thông và hoạt động vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, công tác truyền thông và hoạt động vệ sinh môi trường hiện vẫn chưa tốt. Bằng chứng cụ thể đó là dịch sốt xuất huyết đã xảy ra trong tháng 10/2016 ở huyện Diễn Châu. Và cả tỉnh, năm nào dịch sốt xuất huyết cũng tái lặp ở nhiều địa phương. Và nếu trong thời gian này, ở các ổ dịch sốt xuất huyết có người nhiễm virus Zika thì chắc hẳn dịch cũng sẽ lây lan.
Người dân còn thiếu hiểu biết về bệnh, chưa có hành động đúng là lỗi của các cấp chính quyền và cả bản thân họ. Phòng bệnh cần được làm thường xuyên, với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế và sự phối hợp của các cấp, ngành chức năng thì bản thân mỗi người dân cũng có thể tự phòng tránh được khi có kiến thức và ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Bác sỹ CKI Phan Văn Công- Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: Virus Zika được coi là một trong những dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của giống nòi và đang được cả thế giới quan tâm, tìm cách phòng chống. Hiện nay, vi rút này cũng chưa có vắc-xin để ngăn ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Diệt loăng quăng sẽ ngăn chặn được dịch bệnh Zika. Tuy nhiên, diệt loăng quăng chưa phải biện pháp tối ưu. Tốt nhất là không để loăng quăng có điều kiện xuất hiện. Muốn vậy phải vận động các hộ dân dọn dẹp vật dụng chứa nước trong và quanh nhà để muỗi không có điều kiện đẻ trứng Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, phát ban trên da, viêm kết mạc mắt, đau cơ, đau xương, đau khớp, mệt mỏi và đau đầu phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và cách ly điều trị.. |
Thanh Hoa - Thanh Sơn