“Đây là một con số rất lớn, nhưng cái giá của tham nhũng trên thực tế còn lớn hơn nhiều” - ông Checchi nói. Cái giá đó, theo ông, là “khi tiền công bị đánh cắp nhằm tư lợi, nó có nghĩa rằng nguồn lực để xây trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống và các công trình công ích khác càng trở nên hiếm hoi. Tham nhũng khiến cho thuốc giả hay kém chất lượng tràn ra thị trường, còn những rác thải nguy hiểm thì bị vùi trong đất hoặc đổ ra đại dương”.
Ông Checchi cũng nói rằng chính những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và tồi tệ nhất bởi nạn tham nhũng, chẳng hạn như biển thủ công quỹ hay viện trợ nước ngoài nhằm tư lợi.
Ông nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật PCTN sửa đổi đã tạo động lực quan trọng trong công tác PCTN thời gian tới. Cố vấn về PCTN khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cũng đánh giá cao những điểm mới trong Luật PCTN sửa đổi như mở rộng PCTN sang khu vực tư, quản lý kê khai tài sản thu nhập theo hướng tập trung hơn, giám sát công tác PCTN và một số điểm mới khác…
“Do đó, chúng tôi khuyến khích Chính phủ tạo điều kiện và đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới báo chí vào công tác PCTN nhằm xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách ảnh hưởng tới cuộc sống của họ” - ông Checchi nêu ý kiến.
Nguyên nhân là bởi Luật PCTN còn nhiều bất cập, như quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp đảm bảo thời gian thực hiện, đặc biệt chưa rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai. Trong khi đó, quy định về trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa phù hợp, chưa mang tính khả thi.
Luật PCTN trước đây cũng chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, chưa khắc phục được những biện pháp thiếu hiệu quả như việc tặng và nhận quà đối với người thân của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ, chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài của người có chức vụ quyền hạn.
Bên cạnh đó, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản khi có yêu cầu…
Pháp luật về PCTN từng bước đáp ứng yêu cầu của quốc tế
Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Kim - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định, các chính sách pháp luật của ta về PCTN đã từng bước đáp ứngyêu cầu của quốc tế.
Ông Kim nêu thực tiễn về quyết tâm đẩy mạnh, đấu tranh PCTN vừa qua của Đảng và Nhà nước khi phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, trong đó xử lý cả những đối tượng trước đây được coi là “vùng cấm” không thể xử lý được. Việc này đã mang lại niềm tin cho nhân dân và được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Ngay trong việc xử lý cán bộ, theo ông Kim, cốt lõi phải dựa vào thước đo là quy định của pháp luật, còn xử lý về mặt Đảng và Nhà nước chỉ dừng lại ở quy mô, phạm vi của nó. Quan trọng hơn là dùng pháp luật để xác định cán bộ có phạm tội hay không để xử lý bằng chế tài, bằng quy định hình sự.
Ông cho rằng dù rất mong muốn nhưng việc xử lý câu chuyện này ở ta đang gặp khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng khách quan là yếu tố quan trọng hơn cả. Bởi thực tế đặc thù hiện nay, cơ chế cho công tác quản lý những tài sản lớn trong xã hội chưa thật chặt chẽ.
Bên cạnh đó, tài sản của công dân cũng chưa được quản lý hiệu quả nên những giao dịch, biến động liên quan tài sản, những bất minh trong hoạt động kinh tế, dân sự chúng ta đều chưa xử lý được.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Kim, là do nền kinh tế sử dụng tiền mặt vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Dòng tiền giao dịch trong xã hội chủ yếu là tiền mặt nên khó kiểm soát.
“Dù có Luật Chống rửa tiền nhưng để khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề rất khó. Ví dụ, giờ cứ tiền chuyển từ nước ngoài về là được hoan nghênh và coi là tiền sạch, kể cả tiền không rõ nguồn gốc. Vì thế, việc quản lý vấn đề này đang đối mặt với nhiều khó khăn” - ông Kim chia sẻ.
Liên quan đến xử lý tài sản của cán bộ trong trường hợp không giải trình rõ nguồn gốc, ông Kim cảnh báo nếu làm tốt thì sẽ hữu hiệu, nhưng ngược lại, mặt trái của nó sẽ tạo ra những hệ lụy rất đáng tiếc, bởi nó liên quan đến quyền tài sản của công dân. “Công chức cũng là công dân, cũng có nghĩa vụ kê khai và giải trình, nhưng ở mặt nào đó họ vẫn có quyền về tài sản cá nhân” - ông Kim nói.
Ông cũng cho biết, thực tế hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn. Hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức. Và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng theo ông Kim, những thông tin phản ánh về khối tài sản của quan chức cũng không ít.
Đặc biệt, ông nhắc đến tình trạng quan chức giàu bất minh từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác của họ đem lại. Bởi vậy, ông Kim cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh với chính tật xấu của những người cầm cân nảy mực, họ cũng phải tự thay đổi mình.