Nghệ An sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lớn
Ở thời điểm này, Nghệ An cũng như nhiều tỉnh khác chưa được phân bổ vắc-xin, Bộ Y tế yêu cầu tỉnh chủ động chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp chặt với bộ để đảm bảo nguồn cung.
“Ngành Y tế Nghệ An đang tích cực xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 (giai đoạn 2021-2022), Nghệ An đang xây dựng gồm nhiều hoạt động, được triển khai dựa trên nguyên tắc huy động tối đa các lực lượng tham gia; triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin; đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay.
Trước thời điểm tiêm, tỉnh sẽ thực hiện thống kê các đối tượng ưu tiên tiêm theo Nghị định 21, không để xảy ra trường hợp “người quen, người thân” lẫn vào danh sách tiêm chủng; tổ chức thông tin, truyền thông cho người dân và cộng đồng về Nghị quyết 21; quá trình nghiên cứu, phát triển sử dụng vắc-xin trên thế giới và Việt Nam, hiệu quả của từng loại vắc-xin mà Việt Nam tiếp cận; hiệu quả phòng bệnh, tính an toàn, lịch trình tiêm, các phản ứng sau tiêm; kế hoạch triển khai tiêm theo mức độ vắc-xin được cung cấp; vai trò, trách nhiệm của ngành Y tế và nhân viên y tế trong việc triển khai tiêm; sự ủng hộ, tham gia, hỗ trợ nguồn lực của người dân và cộng đồng.
Ngành Y tế sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức và thực hành an toàn tiêm chủng; quy trình và an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn các quy tắc phòng, chống dịch; phòng, chống sốc, phác đồ phòng, chống sốc. Ngành cũng sẽ phải thực hiện bố trí các điểm tiêm chủng đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc-xin; thực hiện tiêm chủng theo quy tắc một chiều, áp dụng quy trình sàng lọc, phân luồng ngay từ khâu đón tiếp. Tất cả người dân đến tiêm đều được đo thân nhiệt, khu vực chờ tiêm được bố trí đảm bảo giãn cách, thực hiện khám sàng lọc và khai thác thông tin dịch tễ trước tiêm chủng. Ngoài ra, còn có khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn của cơ quan Y tế.
Việt Nam chính thức tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Phát triển vắc-xin phòngCovid-19, toàn thế giới có xấp xỉ 200 nhà sản xuất nghiên cứu. Trong đó, Việt Nam có 4 nhà sản xuất. Một năm sau đại dịch khởi phát, tháng 12/2020, vắc-xin Covid-19 đã bắt đầu được phân phát và sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong lịch sử đây là vắc-xin phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Nhưng cũng vì thế, do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên những khẳng định về thời gian bảo vệ có khác nhau.
Để phòng, chống Covid-19 hiệu quả, Việt Nam đã đẩy nhanh việc nhập khẩu vắc-xin, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 trong nước. Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đầu năm 2021, Bộ Y tế đã đàm phán và được Chương trình COVAC facility đồng ý cung ứng 30 triệu liều; Công ty AstraZeneca đồng ý cung ứng 30 triệu liều. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang đàm phán với hãng Pfizer và thêm nhiều hãng khác để có thêm 30 triệu liều vắc-xin... Ngày 24/2, 117.600 liều vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca đầu tiên về đến Việt Nam.
Theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân, dù vắc-xin đã về Việt Nam từ ngày 24/2, nhưng Bộ Y tế chờ có giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất; đồng thời, Bộ Y tế cũng đánh giá lại toàn diện tất cả số an toàn của lô vắc-xin này. Đến ngày 6/3, Bộ Y tế chính thức triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Do lượng vắc-xin chưa nhiều, Bộ Y tế không thể phân bổ vắc-xin cho 63 địa phương mà dành cho 13 tỉnh, thành phố, 2 Bộ (Công an, Quốc phòng) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 được tiếp nhận vắc-xin đợt đầu, trong đó, ưu tiên cho Hải Dương với 33.000 liều - điểm nóng về phòng, chống dịch.
“Áo giáp chống dịch” hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Quan điểm là tiêm chủng tăng độ bao phủ càng nhanh càng tốt. Riêng với vắc-xin của AstraZeneca, Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm mũi 2 cách mũi 1 sau 3 tháng. Trong năm nay, Việt Nam sẽ cố gắng đảm bảo đủ vắc-xin theo các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021. Trong tháng 3, lượng vắc-xin chưa nhiều, người dân cần hết sức bình tĩnh, khi có những lô tiếp theo ngành Y tế sẽ tiêm ngay. Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp để chuyển vắc-xin về Việt Nam sớm nhất có thể. Đến tháng 4-5/2021, khi có nguồn vắc-xin dồi dào hơn, lập tức Bộ Y tế sẽ chuyển ngay cho địa phương.
Phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 có thể xảy ra vì không vắc-xin nào đảm bảo 100% an toàn. Các phản ứng thông thường phổ biến nhất là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, sốt nhẹ, ớn lạnh. Giống như vắc-xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc-xin phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ… Chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó mà làm lung lay chiến dịch tiêm vắc-xin.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, về hiệu lực bảo vệ của các loại vắc-xin: Hiện tại, vắc-xin Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90%, Moderna hiệu lực bảo vệ 94%, AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100%, bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra nên dù đã tiêm vắc-xin người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp “5K”. Dù không đạt 100% hiệu lực bảo vệ, song vắc-xin là “áo giáp” giúp 100% người được tiêm nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ mắc bệnh nhẹ, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong.