bna_41581906277_1032021.jpgTham dự hội thảo có các đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đại diện Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư... cùng tham dự.
Chủ trương xây dựng công trình ghi công liệt sỹ tỉnh Nghệ An đã được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội trình UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ năm 2011. Đây là công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là biểu tượng tôn vinh các anh hùng liệt sỹ tỉnh Nghệ An – những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB & XH trình bày đề dẫn hội thảo. Ảnh: Thanh Nga
Bản phối cảnh vị trí dự kiến của công trình tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến nêu lên tính cấp thiết của công trình tưởng niệm;hình thức thể hiện công trình; quy mô và vị trí công trình...

Ông Trần Văn Hiền - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanh Nga

Nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho biết: "Truyền thống và đạo lý của người Việt Nam nhất thiết phải có công trình thờ tự cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do. Hiện nay, Nghệ An có hơn 45.000 liệt sỹ đã hy sinh  nhưng chỉ có 18.433 xác định được tên tuổi,  nên việc có một công trình tưởng niệm là phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, phù hợp truyền thống văn hóa thờ tự của người Việt".

Theo ông Hiền: Việc chọn địa điểm núi Dũng Quyết để xây dựng công trình này là phù hợp với Nghị định 31/2013/NĐ - CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều về của Pháp lệnh người có công với cách mạng.  Ở vị trí này hội tụ đủ các yếu tố về chiến tích và các dấu mốc lịch sử tiêu biểu. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ đã có 9 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang và lao động; 8 tập thể anh hùng lao động và lực lượng vũ trang. Đây cũng là nơi ra đời của tổ chức Tân Việt  Đảng thuộc Đảng bộ Nghệ An, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt có di tích về 990 năm Danh xưng Nghệ An; là nơi ghi dấu cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 mở đầu phong trào  Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ông Trương Công Anh - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanh Nga

Ông Trương Công Anh – nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng nêu ý kiến: "Nhất thiết phải có công trình Tưởng niệm liệt sỹ Nghệ An để nhân dân có nơi được tưởng vọng anh linh các anh hùng liệt sỹ, không chỉ là liệt sỹ quê ở Nghệ An mà còn là những liệt sỹ khắp mọi miền đất nước. Công trình sẽ là địa chỉ đỏ cho các thế hệ đương thời được hiểu rõ về những hy sinh to lớn của cha ông; giá trị của hòa bình".

Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Cần xây dựng Đền thờ có nhiều thiết kế tinh xảo nhưng cũng không quá lớn để phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; đồng thời sẽ thuận lợi hơn trong công tác xã hội hóa.

Đại diện Sở Văn hóa & Thể thao và Hội Kiến trúc tỉnh, UBMTTQ tỉnh lại nêu ý kiến nên chọn hình thức thể hiện là Tượng đài có khuôn viên thờ tự là nhà tưởng niệm thì sẽ thể hiện được tầm vóc và phù hợp với thực tiễn và tính thời đại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kết luận tai Hội thảo. Ảnh: Thanh Nga

Kết luận cuộc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: Công trình này đã được bàn bạc, nghiên cứu, thảo luận trong một thời gian dài, và cũng đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều, nhiều luồng dư luận trong nhân dân cũng như các nhà khoa học.  "Các ý kiến tại hội thảo này đều rất tâm huyết, dựa trên những cứ liệu khoa học. Vì vậy Sở LĐ-TB & XH cần phân tích cụ thể để tham mưu, đề xuất phương án phù hợp với thực tiễn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban tổ chức Hội thảo cần lắng nghe và tham mưu  phương án tối ưu nhất về đền bù giải phóng mặt bằng; vị trí phù hợp thực tiễn... Đồng thời qua đây cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công trình có ý nghĩa này.