(Baonghean)- Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia cầm tương đối lớn khoảng trên 15 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm ở Nghệ An vẫn hình thức nhỏ lẻ, manh mún, thả rông, chăn nuôi vịt thời vụ, chạy đồng... là chính. Do đó rất khó quản lý về dịch bệnh cũng như tổ chức tiêm phòng các loại vác xin cho đàn gia cầm.

Trong những năm qua, diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm rất phức tạp. Nhiều ổ dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, đã làm nhiều gia cầm ốm chết và tiêu hủy.


Tính từ đầu năm 2012 đến nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 xã thuộc 2 huyện:Yên Thành (2 xã: Lăng Thành và Phú Thành) và xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tổng số gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy là: 5.961 con (3.810 con vịt, 1.920 con gà và 231 con ngan).

773392_small_71703.jpg

      Chăn nuôi vịt nhỏ lẻ là nguyên nhân khó kiểm soát dịch cúm gia cầm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa, rét bất lợi, chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia cầm... nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới rất cao.


Nhằm hạn chế dịch cúm gia cầm xảy ra và ngăn ngừa dịch lây lan rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định sản xuất, các cấp, các ngành, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:


- Tăng cường giám sát, phát hiệndịch sớm, báo cáo dịch kịp thời để xử lý dịch trong diện hẹp; Khi có gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm gia cầm cần báo ngay cho cơ quan thú y để kiểm tra, chẩn đoán bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.


- Vận động người chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi gia cầm tập trung, chăn nuôi gia trại, trang trại và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chú trọng nguồn gốc con giống rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan thú y.


- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm cho đàn nuôi mới, tái đàn hoặc đàn đã hết thời gian miễn dịch. Đặc biệt chú trọng tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, vì đàn vịt khỏe mạnh vẫn mang virus cúm gia cầm trên 12,2%, đây là nguy cơ rất cao làm phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm.


- Tổ chức, triển khai đồng bộ công tác khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng nguy cơ cao, khu vực chăn nuôi, chuồng trại bằng hóa chất Benkocid, vôi bột. Hướng dẫn người chăn nuôi mua vôi bột... thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, thu gom phân rác, ủ phân nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.


- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm lưu thông trên địa bàn, nhất là gia cầm làm giống.


- Hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn như cám, bột ngô, lúa, thức ăn tinh, vitamin, khoáng chất... để tăng đề kháng cho đàn gia cầm. Đảm bảo đủ nước sạch cho đàn vật nuôi. Chuồng trại cần đảm bảo khô ráo, thường xuyên thay chất độn chuồng, che chắn chuồng nuôi đủ ấm, tránh gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt chuồng.


- Tổ chức lực lượng thường trực, để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng các xã có ổ dịch cúm, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch, không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.


- Tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của xã, xóm về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, sự nguy hiểm của bệnh cúm, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện, cụ thể:


- Tuyên truyền người dân không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín, khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm.


- Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm cảnh giác với dịch cúm gia cầm, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm.


- Hướng dẫn người chăn nuôi tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng và hợp tác với cơ quan Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức người chăn nuôi, ngăn chặn các hành vi vứt bừa bãi xác gia cầm chết làm dịch bệnh lây lan, gây ô nhiễm môi trường.


Th.s Đặng Văn Minh