(Baonghean) - Anh Chắt, người ta nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là có ý chi?
- Ả hỏi theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đây?
 
- Cả hai!
 
- Nghĩa đen thì đơn giản thôi. Chỉ là để khái quát sự khó khăn, phức tạp khi học tiếng Việt. Nhất là khi người Tây đi học tiếng ta. Còn nghĩa bóng thì…
 
- Thì sao?
 
- Vô cùng nhiêu khê, rắc rối, phải có một đầu óc hết sức mẫn tuệ cùng một tâm hồn vô cùng nhạy cảm thì mới có thể hiểu, cảm nhận và vận dụng được hết những ẩn ý trong từng câu, từng chữ. Trình như tui với ả thì còn lâu mới hiểu hết được.
 
- Thảo nào có mấy chuyện tui nghe người ta nói mãi mà không mần răng hiểu được.
 
- Ả cho ví dụ cụ thể đi!
 
- Như người nghèo, kiếm được ít tiền thì nói là thu nhập thấp...
 
- Nói khéo rứa cho những người không may mắn đỡ tủi thân, tủi phận thôi mà. Với lại có ảnh hưởng chi mô!
 
- Ừ, cái đó thì không ảnh hưởng chi, nhưng những chuyện khác thì có đấy. Chẳng hạn như khuyết điểm rõ rành rành ra thì lại nói là tồn tại, hạn chế. Thế là chẳng quy được trách nhiệm cụ thể cho ai. Chẳng đi đến tận cùng được sự việc để giải quyết thật triệt để.
 
- Như ả nói thì đã ăn thua chi. Có những kiểu nói núp bóng còn tai hại hơn nhiều!
 
- Nói rứa thì chứng tỏ anh Chắt cũng rất quan tâm đến mấy cấy chuyện ni?
 
- Cả xã hội bức xúc, thì tui cũng phải quan tâm, không người ta nói là vô cảm. Như chuyện…
 
- Chuyện chi?
 
- Nhà trường bắt phụ huynh đóng góp đủ thứ tiền khiến người ta phải kêu trời, kêu đất thì lại bảo xã hội hóa giáo dục. Nghe rõ là mỹ miều. Xây nhà cao ngất nghểu uy hiếp cả chốn linh thiêng bậc nhất cả nước lại cứ khăng khăng là làm đúng quy trình. Ừ thì cái quy trình xin xỏ là đúng nhưng mà sai địa điểm, nơi chốn thì chẳng thấy ai nói. Thế là bão dư luận nổi lên. Còn nhiều, rất nhiều chuyện núp bóng ngôn từ kiểu đó để tiếp tục làm bậy, làm bừa, làm ẩu…Cho nên…
 
- Cho nên không ít phong ba, bão táp xảy ra trong cuộc đời cũng từ đó mà ra. Thế mới rõ ra cái ý thâm sâu của cái câu “phong ba bão táp…”
 
Tri Kỷ