Sáng 11/1/2021, Bộ LĐ-TB & XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ đối với lao động, người có công và xã hội năm 2021.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 – 2020, toàn ngành đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của Nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế.
Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51, 6 % năm 2015 lên khoảng 64,5 % năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công được nâng lên; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh; đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống cao hoặc bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú...
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh; từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75 % cuối năm 2020; Đến nay có trên 3 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Tại Nghệ An, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhưng công tác an sinh xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 30/11/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ cho 655.241 đối tượng là người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; người nghèo, cận nghèo; người lao động và người sử dụng lao động, với kinh phí 629.144,75 triệu đồng. Phối hợp chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị chi trả kịp thời hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quyết định của UBND tỉnh; tính đến ngày 30/11/2020, đã chi trả hỗ trợ cho 622.341 người, số tiền đã chi trả 599.217 triệu đồng.
Năm 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 38.723 người (đạt 101,6% KH); trong đó, lao động làm việc trong nước 27.906 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.718 người (đạt 100% KH). Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa sâu rộng, tính đến ngày 30/11/2020, toàn tỉnh đã huy động được trên 19,2 tỷ đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đã trích 5.139,8 triệu đồng hỗ trợ xây mới và sửa chữa 119 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng; tặng 52 sổ tiết kiệm cho người có công, với số tiền: 261,5 triệu đồng.
Tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội để mọi người đều có tết ấm
Tại hội nghị nhiều điểm cầu đã nêu nhiều ý kiến: Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những có những tồn tại hạn chế như một số chính sách chất lượng chưa cao. Cơ cấu đào tạo nghề theo cấp trình độ và ngành nghề còn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao đặc biệt là khi dịch Covid bùng phát ở nhiều thành phố lớn. Bên cạnh đó tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ và ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Tỷ lệ đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội vẫn thấp hơn thực tế. Thành quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Bạo lực trên cơ sở giới , bạo lực và xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu: Thời gian tới ngành lao động cần tiếp tục xâu nối làm đơn vị đầu mối để tổng hợp tham mưu cho chính phủ những chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách công nhận hồ sơ cho người có công. Trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên chúng ta tiếp tục vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. “Thực hiện các mục tiêu kép để vừa phát triển kinh tế, đồng thời cố gắng chăm lo đến đời sống người lao động đặc biệt đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 thông qua các gói hỗ trợ.” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn: Bộ ngành cũng cần phối hợp tốt với các tổ chức hội, các tổ chức chính trị xã hội để làm sao các đối tượng yếu thế trên mọi miền đất nước được thụ hưởng chính sách. Cần rà soát lại chế độ, chính sách để không bỏ sót đối tượng, không để người có công phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó.
“Muốn phát triển tốt thì phải có mạng lưới an sinh tốt, đó là phải có hệ thống bảo hiểm xã hội tốt, cần vận động tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen mua bảo hiểm xã hội.” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó Phó Thủ tướng mong muốn các ngành cần quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp đuổi kịp giáo dục đại học; số lượng đội ngũ lao động được đào tạo nghề nâng lên, chất lượng tay nghề lao động đạt yêu cầu quốc tế.
Việc thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai cũng cần được củng cố, ngành cần tìm ra những giải pháp mới. Bởi hiện nay việc con nghiện mới sử dụng các chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên chúng ta chưa tìm ra liệu pháp y học để điều trị cắt cơn.
“Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các địa phương, cần có những chính sách chăm lo để người dân được đón một cái tết đầm ấm yên vui, cố gắng ai cũng có tết.” Phó Thủ tướng yêu cầu.