Sáng 12/6, huyện Kỳ Sơn tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2019.
Đời sống từng bước khởi sắc
Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội huyện biên giới Kỳ Sơn đã bắt đầu khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2014-2019) đạt 6,87%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 21 triệu đồng/người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, năm 2015 tỷ lệ này là 65,57%, đến năm 2018 giảm xuống còn 50,9%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, bước đầu hình thành các vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển, sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Thái được xuất khẩu sang các nước.
Cơ sở hạ tầng thương mại tiếp tục được xây dựng, hệ thống chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối rộng khắp đến tận các xã vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, toàn huyện có 8.317/16.031 hộ được công nhận Gia đình văn hóa (đạt 51,88%) và 105/193 bản được công nhận Làng văn hóa (đạt 54,4%). Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có những bước tiến đáng kể, trang phục truyền thống, tiếng nói, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ truyền của các dân tộc vẫn còn được lưu giữ.
Công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS được quan tâm, mạng lưới trường lớp các bậc học được duy trì tốt. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm thực hiện, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các chương trình y tế Quốc gia được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí sử dụng, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ có năng lực. Tính đến năm 2019, cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn thạc sĩ 03 người; đại học 275 người; cao đẳng 29 người; trung cấp 139 người; trình độ lý luận chính trị cao cấp 40 người; trung cấp 699 người...
Giai đoạn 2019 – 2024, huyện Kỳ Sơn đặt mục tiêu khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nông - lâm nghiệp; tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của tỉnh; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Tại đại hội, các đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề phát huy vai trò của MTTQ trong tập hợp, đoàn kết các dân tộc; đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự; nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo; vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tư tưởng, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững…
Dịp này, đại hội bầu 35 đại biểu chính thức, 2 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ III. Đồng thời, 13 cá nhân được Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển các dân tộc; 2 tập thể, 15 cá nhân được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen và 10 tập thể, 25 cá nhân được nhận Giấy khen UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc.