Cậu em vợ tên Trung, năm nay vừa bước vào tuổi “tam thập nhi lập”. Dân Vinh gốc, vậy nhưng cũng “sở hữu” cả một quãng tuổi trẻ khá long đong, lận đận. 10 tuổi Trung trở thành cầu thủ thuộc biên chế CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An. Thi đấu hết giải nhi đồng, thiếu niên rồi U13, U15, cũng theo đội, đoàn chinh chiến hết trong Nam ngoài Bắc. Vừa qua tuổi 17, Trung thuộc đối tượng phải thanh lý hợp đồng do chấn thương không thể phục hồi. Giấc mơ sân cỏ không chỉ của Trung mà của cả gia đình tắt ngấm. Cả một quãng thời gian dài theo đuổi nghiệp quần đùi, áo số nên khi bóng đá khước từ Trung trở nên chênh vênh.
Không nghề ngỗng, việc làm, chán chường Trung theo lũ bạn có số phận giống mình học đòi chơi bời rượu chè. Nhưng cái nghiệp bóng đá nó ngấm vào máu không thể dứt được. Sân cỏ không có chỗ cho Trung dù cậu đã từng làm cho nhiều người điên đảo vì sức mạnh của đôi chân, Trung nộp đơn thi vào Khoa TDTT, Trường Đại học Đà Nẵng. Với tư chất thông minh cộng với năng khiếu chơi bóng bẩm sinh, cậu dễ dàng vượt qua các kỳ thi trong môi trường sư phạm.
Tốt nghiệp ra trường, cuộc sống lại vẫn là một chuỗi thử thách đối với Trung. Cầm tấm bằng gõ cửa hết chỗ này chỗ khác, từ trường học đồng bằng cho đến miền núi chẳng đâu nhận. Thân cô thế cô, không có chỗ dựa đủ lớn để kiếm việc làm nên Trung tiếp tục lận đận. Trong quãng thời gian này, cậu đá bóng phủi. Lúc thì người ta thấy Trung đá thuê cho doanh nghiệp này, đơn vị nọ. Cũng nhờ “nhẵn mặt” trên các sân cỏ chiều tà nên người ta cũng quen biết cử nhân bóng đá nhiều hơn. Cách đây một vài năm bạn bè thấy Trung trong vai trò HLV đội bóng nhi đồng và thiếu niên của một huyện cận thành phố. Nghiệp sân cỏ bạc bẽo, trong hàng ngàn con người đuổi theo trái bóng được mấy cầu thủ nổi danh, trở thành ngôi sao. Vậy nhưng người ta nói về cầu thủ, về bóng đá như thể là nghề lắm hào quang, lắm tiền nhiều bạc.
Với Trung, cậu quá hiểu những cái giá mà sân cỏ đánh đổi, đôi chân của cậu vẫn nhức nhối mỗi khi trời chuyển mùa, trên vai vẫn còn những ghim những chiếc đinh đóng sâu trong xương tủy. Vậy nhưng, như Trung nói, đã lỡ theo bóng đá thì suốt đời không tài nào rời ra được, dù cách này hay cách khác nó vẫn lẩn khuất trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Trung được nhận làm HLV hợp đồng theo mùa cho địa phương, tiền bạc chỉ cắc bụp nhưng cũng thỏa niềm đam mê trót đa mang.
Vậy là năm nay cậu “đi đào”. “Tranh thủ kiếm chút tiền Tết, còn mua sữa cho con” – trong bộ quần áo lấm lem bùn đất Trung nói. Năm đầu tiên buôn đào, không biết ai chỉ cho mà cậu lên tận xã Nậm Càn, Na Ngoi (Kỳ Sơn), vào tận rẫy của người Mông cắt đào. Lời lãi nào không biết, cả nhà, từ bố mẹ, vợ, anh em, cô bác, cậu dì đều ra đường bán giúp. Tết mà, thương đứa cháu, đứa em vất vả nên mỗi người giúp một tay. Cũng may đào của Trung là giống đào rừng, hoa thắm, cánh dày, nhiều nụ nên không kén khách. Rồi cũng nhờ người quen mua giúp mỗi người một cành động viên nên chỉ vài ngày xuống phố, gần 100 cành đào đã bán được quá nửa. “Đủ vốn rồi anh ạ” - chỉ số đào còn lại Trung hồ hởi: “Chỗ này bán được sẽ là tiền lời đấy”.
Nghe cậu em nói tự dưng thấy vui. Ai bảo người thành phố chán Tết, ghét Tết. Đấy thôi, cả con phố thường ngày lặng ngắt thế mà những ngày cuối năm bỗng như được thay áo sôi động hẳn lên. Bắt đầu từ tháng Chạp, không biết từ đâu người ta đổ về phát quang bờ bụi, san ủi mặt bằng, dựng lều, rải bạt, sau đó là đưa vô số hàng hóa đến. Chẳng cần phải là thương gia, nhà nghiên cứu thị trường thì người ta cũng biết rằng dịp Tết chính là thời cơ để kinh doanh, buôn bán. Từ sợi chỉ, cây kim cho đến bạc vàng, đá quý… thứ gì cũng có nhu cầu. Chẳng thế mà cả tuyến đại lộ Lê Nin chạy dài ra đến đường Xô viết Nghệ - Tĩnh xuống tận Cửa Lò đâu đâu cũng ăm ắp hàng Tết. Người thành phố luôn được xem là dân sành ăn uống nhất, bởi vậy mà vô số đặc sản, của ngon vật lạ từ mọi miền đều đổ về đây. Miền núi thì có lợn nít, gà đen, bò giàng, nếp rẫy…, miền biển có cá lượng, cá ngừ, tôm, cua… Những thứ ngon nhất, độc nhất, tốt nhất đều được người phố mua sắp trong dịp này để thiết đãi bạn bè và để… “khoe” sự sành điệu.
Nhưng trong bức tranh sôi động của những con phố ngập tràn sắc hoa, lung linh ánh đèn vẫn còn đó bóng dáng của những thân phận khốn khó vất vả cơm áo. Gặp một người đàn ông tên Thái rất khó đoán tuổi ngồi thều nghễu trên chiếc xe xích lô. Mỗi cười thôi gương mặt đã ùa đến vô số nếp nhăn trông khổ sở. Nghe giọng pha miền Bắc, anh cho biết thường ngày mình làm thuê cho cửa hàng vật liệu xây dựng, khách gọi xi măng chở xi măng, gọi sắt thép chở sắt thép.
Ngày cuối năm cửa hàng nghỉ Thái tranh thủ ra chợ đào, ai thuê gì làm nấy. Rảnh khách, hỏi chuyện đời, anh cho biết mình quê Ninh Bình, mồ côi cả bố lẫn mẹ, 9 tuổi lưu lạc khắp nơi. Rồi trong một chuyến tàu bất định từ Bắc vào Nam không hiểu cơ duyên nào khiến anh dừng chân ở Vinh, được một người phụ nữ tốt bụng cưu mang cho ăn, cho mặc nhận làm con nuôi và ngôi nhà tranh chỉ có hai mẹ con nhưng với Thái đó là tổ ấm thực sự. Mẹ nuôi không đủ điều kiện cho Thái học nhưng đã cho anh sự lớn khôn, hàng ngày mẹ chạy chợ còn anh đi phụ hồ, làm thuê. Về sau sắm xích lô mưu sinh.
Nhưng những ngày yên ấm ở Vinh, Thái không sao nguôi ngoai về quê cũ, nơi đó anh còn một cậu em trai cũng lang thang bất định sau khi bố mẹ đẻ qua đời. Mẹ lâm bệnh, trước khi trở nặng bà đã dùng tất cả số tiền gom góp được đưa cho cậu con nuôi và yêu cầu phải trở về quê tìm em trai. Thái đi ròng rã gần một tháng, may mắn đã mỉm cười với anh khi đã tìm gặp được người em trai lúc đó cũng được một gia đình trong huyện nhận làm con nuôi. Bên giường bệnh, Thái cho mẹ xem ảnh chụp hai anh em và cả gia đình đã cưu mang em mình. Trước khi mất, mẹ nuôi bảo Thái trở về quê cũ, tìm cách làm ăn, nhưng anh đã không nghe lời. Anh bảo: “Ở Vinh tôi đã có mẹ, có một gia đình, đây là quê hương của tôi”. Khi chúng tôi đang trò chuyện, có một phụ nữ luống tuổi đến tìm, Thái bảo đó là vợ mình, rồi anh đưa tay vào ngực áo lấy từ trong túi ra một xấp tiền gần 300.000 đồng đưa cho người phụ nữ. Anh cười, những nếp nhăn hai bên má nhíu lại: “Về sắm đồ cho con nhé. Tết đến nơi rồi”.
Như một thói quen từ nhiều năm nay, ngày cuối năm tôi dạo khắp phố xá, chẳng mua bán gì nhưng cứ đi. Đi để hòa vào cái không khí nhộn nhịp, ồn ã của ngày cuối năm, để được nhìn thấy mọi người đưa Tết về nhà và ươm lên những hy vọng của mùa xuân mới.