`

Clip: Thành Cường

Theo đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (Đại biểu thành phố Vinh), Nghị quyết số 117 năm 2013 về chức danh, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản quy định số lượng 15 chức danh bán chuyên trách, trong đó, có chức danh Thú ý cơ sở, nhưng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019, của HĐND tỉnh quy định 13 chức danh, trong đó không có chức danh Thú y cơ sở.

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền phản ánh bất cập khi cắt giảm chức danh Thú y cơ sở. Ảnh: Thành Cường

Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, việc không bố trí chức danh này gặp nhiều bất cập. Đó là, những ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tiêm phòng, biện pháp phòng dịch cho vật nuôi, và đây là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thu nhập của người dân, ảnh hưởng của việc tăng đàn gia súc của các hộ dân.

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền dẫn chứng, thành phố Vinh là đô thị, nhưng có 9 xã sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề chăn nuôi. Trong khi đó, công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm chủ yếu phụ thuộc và Trạm Thú y thành phố. Đơn vị này cũng chỉ có 2 biên chế phải hợp đồng thêm 4 lao động nữa nên công tác phòng dịch gặp nhiều khó khăn. Do không có quy định chức danh Thú y cơ sở nên ở các phường, xã trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay chức danh này do kế toán, đô thị - địa chính kiêm nhiệm. Trong khi đó, chức danh thú y đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, nếu kiêm nhiệm như vậy không phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Đinh Thị An Phong nêu thực trạng thừa và thiếu trong quản lý sử dụng nhà văn hóa xóm. Ảnh: Thành Cường

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Đinh Thị An Phong, Nghị quyết số  22 của HĐND tỉnh quy định một số chức danh bán chuyên trách, ngoài chức danh Thú y cơ sở, có vị trí nữa rất quan trọng là cán bộ đài truyền thanh xã bị cắt giảm. Đây là kênh thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân.

"Mong muốn của cử tri là tỉnh cần xem xét với đặc thù của tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết đặc thù của tỉnh Nghệ An khôi phục 2 chức danh này" - đại biểu Đinh Thị An Phong đề xuất. Bên cạnh đó, phản ánh những bất cập sau sáp nhập xóm, đại biểu Đinh Thị An Phong nêu thực trạng thừa - thiếu - quản lý sử dụng nhà văn hóa. Hiện nay việc sử dụng nhà văn sau sáp nhập xóm, khối chưa được hướng dẫn, mỗi nơi đang làm một kiểu, gây lãng phí. Đề nghị tỉnh quan tâm, hướng dẫn cơ sở vấn đề thừa - thiếu nhà văn hóa.

Sẽ ban hành chính sách đặc thù

Làm rõ những vấn đề đại biểu phản ánh tại phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường liên quan đến khôi phục các chức danh bán chuyên trách và chế độ phụ cấp cho cán bộ khối, xóm, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý khẳng định: Thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019, trong đó, ưu tiên bố trí các chức danh cấp phó ban Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, còn các chức danh tinh giản được bố trí kiêm nhiệm hoặc giao cho công chức đảm nhiệm.

Cụ thể, nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách thú y, bảo vệ thực vật trước đây được giao cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường (phụ trách nông nghiệp) đảm nhiệm. Nghị định 34/2019/NĐ-CP khoán tổng phụ cấp cho các chức danh, nếu tăng chức danh thì phụ cấp sẽ giảm hơn so với hiện tại.

Đồng thời, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Kết luận số 134-KL/TU ngày 5/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ: Không bố trí chức danh bảo vệ thực vật, thú y. Nhiệm vụ này thực hiện theo hình thức xã hội hóa đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý giải trình ý kiến của các đại biểu liên quan về những bất cập thực hiện Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh, ban soạn thảo cũng đã xin ý kiến rộng rãi các cấp, các ngành liên quan, trong đó, các huyện, thành, thị và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã góp ý bằng văn bản với nội dung thống nhất với dự thảo Nghị quyết (dự thảo Nghị quyết không bố trí chức danh thú y, bảo vệ thực vật). Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thông qua Nghị quyết.

“Việc sửa đổi Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh để bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật cần phải có thời gian xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước và thực tiễn ở địa phương. Chính phủ đã quy định về số lượng, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP, thì việc cắt giảm chức danh nào để bố trí chức danh Thú y, bảo vệ thực vật là hết sức khó khăn. Vì cắt chức danh nào, trong khi tổng mức khoán theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP là không thay đổi”- ông Lý nhấn mạnh. 

Làm rõ băn khoăn của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND tỉnh, đồng thời khẳng định: Quá trình xây dựng Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh được căn cứ pháp lý hết sức chặt chẽ theo Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Kết luận 134 ngày 13/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và căn cứ vào nguồn lực ngân sách của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù khôi phục chức danh Thú y cơ sở. Ảnh: Thành Cường

Trên tinh thần sắp xếp lại các chức danh bán chuyên trách ở cấp xã, xóm theo hướng tinh gọn, tinh giản biên chế, hạn chế chức danh không cần thiết theo hình thức kiêm nhiệm. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và một bộ phận cán bộ, công chức.

Sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri và người dân, UBND tỉnh tổ chức phiên họp với các sở, ban, ngành liên quan và đưa ra các phương án. Sau khi phân tích các phương án, trên cơ sở căn cứ pháp lý theo tính toán số tiền hỗ trợ cho đội ngũ này là khoảng 8 tỷ đồng/năm.

“Từ những bất cập mà thực tiễn đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại ban hành các giải pháp theo tinh thần làm nhanh nhất, khắc phục tồn tại sớm nhất để khôi phục chức danh Thú y cơ sở. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu để ban hành chính sách đặc thù khôi phục chức danh Thú y cơ sở thuộc thẩm quyền của tỉnh và đảm bảo việc bố trí ngân sách hỗ trợ cho chức danh này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định.