(Baonghean) - Phóng viên Xuân Hoàng (Báo Nghệ An) kể về cơ duyên khiến anh có ý tưởng và hoàn thành nên chùm ảnh đoạt giải nhì Cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng”:
 
“Giữa năm 2013, nghe tin huyện Tân Kỳ được một doanh nghiệp của Hàn Quốc phối hợp với một công ty của Việt Nam thuê đất nông nghiệp trên địa bàn một số xã: Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình, Nghĩa Long để trồng ớt xuất khẩu. Biết đây là cách làm mới ở Nghệ An, tôi tìm hiểu ngay để viết bài. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, tôi biết phía nhà doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sử dụng các loại máy làm đất hiện đại, trong đó có một số thiết bị tưới nước công nghệ cao. Được theo dõi ngay từ đầu, từ khâu làm đất đến khi thu hoạch, nên tôi ghi lại những hình ảnh rất chân thực trong quá trình sản xuất ớt công nghệ cao tại huyện Tân Kỳ. Và để thực hiện phóng sự ảnh này, tôi phải chờ đợi trong thời gian dài 5 tháng liền (từ tháng 7 năm 2013 đến tháng Giêng năm 2014), từ khi làm đất đến lúc thu hoạch ớt”.
 
4 bức ảnh và 5 tháng chờ đợi. Những bức ảnh, nếu thoáng nhìn sẽ chẳng ai biết đến sự kỳ công của tác giả, hoặc cũng không mấy chú ý vì nó có vẻ quen thuộc như ta vẫn nhìn thấy hàng ngày. Là những đồng đất tăm tắp chạy dài, những luống cây bắt đầu xanh lên, mùa thu hoạch xôn xao, thành quả sau những ngày chăm bón. Nhưng, nếu ta biết dừng lại, nhìn sâu vào trong mỗi bức ảnh ấy, sẽ thấy được những thông điệp bất ngờ phía sau những thông tin đơn thuần của báo chí.
 
images1092823_kh_u_l_m_d_t__l_n_lu_ng_d_n_th_c_hi_n_tu_i_b_ng_c_ng_ngh__nh__gi_t_d_u_b_ng_co_gi_i_h_a_hi_n_d_i.jpg
Chùm ảnh “Sản xuất ớt công nghệ cao trên đất Tân Kỳ” của Xuân Hoàng.
 
Trước hết, có thể thấy, Xuân Hoàng đã làm tròn ở “vai” một phóng viên chuyên theo dõi mảng kinh tế ở miền núi. Khi có thông tin về một mô hình mới, anh đã lập tức đi tìm hiểu. Sự nhạy cảm của một phóng viên đã giúp anh nhìn ra một đề tài hay về nông nghiệp- nông thôn. Một vòng quay của mô hình sản xuất đã được anh thể hiện trọn vẹn trong chùm ảnh đẹp. Một thành viên BGK giải Ảnh nhận định: Phóng sự ảnh này đã đạt được 4 tiêu chí cơ bản của cuộc thi, đó là tính thời sự (việc áp dụng khoa học  công nghệ cao trong nông nghiệp, là một trong những  tiêu chí xây dựng nông thôn mới); nội dung chủ đề tốt, bám sát thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước; thực hiện công phu; bố cục đường nét đã chuyển tải được nội dung chủ đề. 
 
Nhưng, không chỉ vậy. Xuân Hoàng là người sinh ra ở làng, gắn bó với đồng quê, ruộng vườn. Cũng như bao nhiêu người - nhà - quê trong chúng ta, anh trăn trở, xúc động trước hình ảnh đất và người nông dân. Cái con người chất phác, hồn hậu ấy đã thức dậy bên cạnh bản năng nghề nghiệp. Và, ta như được thấy cái nỗi mừng vui khó che giấu của anh. Niềm vui được đứng chân trên đất đai xứ sở, được gieo trồng những mầm xanh trên khoảnh đất tay mình vun xới, hồi hộp chờ chúng lớn lên và tận hưởng niềm vui được mùa. Vui hơn thế nữa, là người nông dân hồn hậu ấy đang chứng kiến quê hương đổi mới. Trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi bao đời, khi xưa trĩu nặng đôi vai “kéo cày thay trâu” giờ sức người đã dần được thay thế, người dân được tiếp thu công nghệ cao, và vòng quay của đất như rộn ràng, phấn chấn hơn lên. Những câu hỏi từ bao lâu, như dần vỡ vạc câu trả lời trong anh, trong chúng ta, rằng vì sao một đất nước nông nghiệp, một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, hơn 70% dân số làm nông nghiệp, lại vẫn nghèo, tại sao nhà nông vẫn vất vả, tại sao người nông dân vẫn nằm tận đáy xã hội và luôn bị chèn ép bởi thương lái...? 
 
Tôi đã có cảm giác ấy khi xem kỹ những bức ảnh trong bộ ảnh “Sản xuất ớt công nghệ cao trên đất Tân Kỳ”, giống như cảm giác của tác giả khi đến với cánh đồng ớt của xã Nghĩa Long, trong tiết trời mưa lây phây, buốt lạnh. Xuân Hoàng kể, lúc đó anh như quên đi cái lạnh, khi thấy bà con vẫn mang áo mưa đi hái ớt, trong niềm vui đầu xuân. Niềm vui ấy còn tỏa lan khắp các địa điểm tập kết ớt của doanh nghiệp, nơi hàng chục nhân công đang khẩn trương lựa chọn ớt để bốc xếp lên toa xe đông lạnh, vận chuyển ra cảng Hải Phòng, đưa thứ quả cây của miền núi Nghệ An sang đất nước Kim Chi tiêu thụ.
 
T.V