(Baonghean.vn) - Từ khi Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” được thực hiện, Nga chịu không ít điều tiếng khi liên tục bị cáo buộc rằng dự án này không mang lại ích lợi gì cho an ninh năng lượng của EU, mà còn làm cho Liên minh phụ thuộc vào Nga, cũng như đem lại những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu. Nhưng trên thực tế, EU vẫn không muốn bỏ lỡ dự án này.

Một EU lưỡng lự

Sau khi các thông tin về dự án này được công bố, Ba Lan, Ukraine và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt lên tiếng phản đối dự án này.

Trước đây, do lo sợ bị cắt đứt việc quá cảnh khí đốt truyền thống từ Nga, Ba Lan luôn lên tiếng phản đối gay gắt khả năng Đức hợp tác với Nga để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" để chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu, vì theo kế hoạch, đường ống này sẽ chạy dưới đáy biển Baltic mà không đi qua lãnh thổ Ba Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski nhấn mạnh: "Việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc thứ hai có thể không cần thiết. Công suất của Dòng chảy phương Bắc thứ nhất sẽ được nâng lên, khí đốt sẽ được chuyển tới các nước Nam Âu theo đường ống OPAL. Do đó, Nga có thể từ bỏ việc xây dựng đường ống thứ hai và chỉ cần khai thác công suất hiện có của các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và OPAL".

Tuy nhiên, khi nhận thấy những lợi ích từ đường ống này, Ba Lan đã thay đổi thái độ và lên tiếng đòi bố trí tuyến đường ống chạy trên lãnh thổ Ba Lan. "Chúng tôi muốn rằng các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Tây Âu sẽ chạy qua lãnh thổ Ba Lan. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết và quan hệ đối tác hữu hảo giữa EU với các nước Trung và Đông Âu"- Witold Waszczykowski khẳng định.

images1823231_bna_589ffb57b52b1.jpgDòng chảy dầu khí của Nga lôi kéo các công ty lớn của EU tham gia, mặc cho những lệnh trừng phạt của EU với Nga đang diễn ra. Ảnh: Ria Novosti

Đan Mạch và Thuỵ Điển đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi môi trường sinh thái của nước này có thể quyết định đến số phận của Dự án. Chính phủ hai nước này đã gửi một lá thư chung lên EC yêu cầu đưa ra một đánh giá chính thức về Dòng chảy phương Bắc, nhằm xác định rõ ràng ảnh hưởng môi trường nơi đường ống đi qua. Tạm thời, Copenhagen không dám ngăn chặn việc xây dựng các đường ống dẫn và chờ cho đến khi kết luận chính thức của EC.

Điều này chỉ ra rằng, một mặt, Đan Mạch không muốn "bỏ lỡ" một nguồn lợi kinh tế đáng kể khi cho phép đường ống đi qua. Mặt khác, không muốn làm "mếch lòng" các nước trong EU thuộc phe phản đối.

Thêm vào đó, mặc dù Uỷ ban châu Âu (EC) nhiều lần tuyên bố về ý định giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu xanh từ Nga, nhưng vẫn âm thần “vun đắp” cho Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bằng việc EC vẫn “bật đèn xanh” cho việc khai thác 80% công suất thiết kế của đường ống dẫn khí đốt. 

Nga cần EU nhanh chóng đưa ra quyết định

Trong năm 2016, cạnh những nỗ lực trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nga vẫn cung cấp lượng khí đốt kỷ lục sang phương Tây.

Số liệu của Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) công bố cho biết thị phần khí đốt của Gazprom tại thị trường EU tăng liên tục trong thời gian qua. Nga đã đáp ứng tới hơn 30% nhu cầu tiêu thụ khí đốt cho EU. Do chủ động về giá, các hợp đồng cung cấp khí đốt của Gazprom luôn có giá cả hấp dẫn hơn các công ty khác.

Trong điều kiện khí hậu năm nay thuận lợi do không có hiện tượng thời tiết cực đoan, Gazprom đã nổi lên là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên duy nhất có khả năng đảm bảo đáp ứng một cách chắc chắc và ổn định đối với nhu cầu phát sinh từ các khách hàng châu Âu.

Tổng thống Nga dự một lễ khai trương đường ống dầu khí qua trực tuyến. Ảnh: Ria Novosti

Một sự thật rằng, "Lục địa Già" sẽ không thể vượt qua được mùa đông nếu như không có khí đốt từ Nga. Nói một cách khác, EU không thể xa rời các đường ống dầu khí của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt về kinh tế mà Liên minh này đã phải mất nhiều lần tranh cãi mới được thông qua và gia hạn liên tục trong thời gian qua.

Thực tế là Dòng chảy phương Bắc 2 là nguồn cung cấp khí đốt cho EU, chứ không phải thuộc sở hữu của EU. Do đó, vận hành dự án là lẽ "hoàn toàn hợp lý" cho cả đôi bên.

Thêm nữa, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tạo điều kiện cho Nga và châu Âu gia tăng các lợi ích đôi bên trong việc giảm bớt các ảnh hưởng trung gian từ Nga mà vẫn đảm bảo duy trì các cấm vận kinh tế của Mỹ.

Dù vậy, đến nay, EU vẫn chưa sẵn sàng đưa ra câu trả lời cuối cùng với Nga, bởi vì Washington vẫn đang còn chần chừ trong mối quan hệ với điện Kremlin. Còn Brussels thì không dám hành động một cách độc lập.

Vụ trưởng Vụ châu Âu 3 của Bộ ngoại giao Nga - ông Sergei Nechayev cho biết: "Để thực hiện thành công Dòng chảy phương Bắc 2 thì điều quan trọng trước tiên là phải nhìn nhận quan điểm của Ủy ban Châu Âu và sự điều chỉnh của các quốc gia có vùng lãnh hải mà đường ống xây dựng đi qua, ví dụ như Đức - một khách hàng khí đốt tự nhiên lớn của Nga. Hy vọng rằng cuối cùng ý nghĩa thông thường sẽ thắng thế và các đối tác châu Âu của chúng ta sẽ không hành động phương hại đến lợi ích riêng của chính mình trong lĩnh vực năng lượng".

Những bước đầu tiên trong việc xây dựng đường ống dẫn khí thứ 2 cung cấp cho châu Âu, Nga đã thực hiện. Còn tương lai của Dòng chảy phương Bắc 2, sẽ phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của châu Âu.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN