Mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc. 

17signed14359721_812019.jpgQuyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 -2025”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phấn đấu có 30% số xã (7/23 xã) của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; hoàn thành cơ bản một số tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở để Thủ tướng xem xét, ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch. 

Đến năm 2025, 100% số xã (23/23 xã) của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; 100% di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn được trùng tu, đáp ứng nhu cầu thăm quan, phục vụ phát triển du lịch. 

Đề án cũng đặt mục tiêu đến 2025, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch”.

Để đạt được mục tiêu trên, đề án nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao chất lượng 19 tiêu chí về xã nông thôn mới; cải tạo, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao huyện, nâng cấp trang thiết bị hệ thống nhà văn hóa xã và nhà văn hóa xóm/khối; xây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa.

Đặc biệt, Đề án đề ra nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tuyến du lịch nội và ngoại huyện; xây dựng các mô hình du lịch văn hóa; xây dựng hình ảnh phát triển văn hóa và du lịch huyện.

Du khách về thăm quần thể Khu di tích Kim Liên. Ảnh tư liệu
Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án khoảng 2.465 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 730 tỷ đồng, chiếm 27,6% (ngân sách Trung ương 289 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 115 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã 326 tỷ đồng); vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.062 tỷ đồng, chiếm 43,1%; vốn xã hội hóa (doanh nghiệp) 260 tỷ đồng, chiếm 10,5%; vốn huy động cộng đồng 253 tỷ đồng, chiếm 10,3%; nguồn khác/tín dụng 160 tỷ đồng, chiếm 6,5%.

Quyết định giao trách nhiệm cho 12 bộ và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp thực hiện, trong đó giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nam Đàn thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo đúng tiến độ.