Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh; 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo Quyết định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vừa ký ban hành, Nghệ An không có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc giai đoạn 2021 - 2025.
Nghệ An hiện là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 16.400km2, dân số trên 3,3 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Toàn tỉnh có 21 huyện, thành, thị; trong đó khu vực miền Tây Nghệ An với diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh, có đường biên giới dài hơn 468 km tiếp giáp với nước bạn Lào.
Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị; trong đó có 5 huyện vùng cao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 6 huyện, thị miền núi là: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Khu vực miền Tây của tỉnh là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Thổ, Mông, Ơ đu, Khơ mú...
Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đã ký ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Chương trình có 7 dự án thành phần: Dự án 1 hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cùng với đó, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.