Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng bất chấp sự lắng dịu căng thẳng thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA chứng tỏ "chúng ta sẽ thấy tác động dần dần (của đạo luật này) đối với sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á".
Chuyên gia này nêu rõ: "Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ-Trung, kể cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump không thực sự thực thi đạo luật này".
Ông chia sẻ: "Đề cập tới khó khăn Trung Quốc phải đối mặt, điều dễ hiểu là sức ép chiến lược có thể không chỉ xuất phát từ bản thân nước Mỹ, mà các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng".
Trong khi đó, ông Tony Nash - Giám đốc công ty nghiên cứu có tên Complete Intelligence, cho rằng việc ký kết ARIA đồng nghĩa với việc "Mỹ có bạn bè". Ông Nash nhận xét: "Những người bạn này không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà dựa trên cam kết chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này cho thấy thực tế trái ngược so với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Tuy vậy, ông Nash cho rằng, đạo luật ARIA được Mỹ thông qua không phải là chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.