Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc giao lưu - kinh tế - văn hóa trong tỉnh, trong nước và quốc tế: Nằm trên tuyến đường giao thông xuyên Việt và xuyên Á, có hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ như: nhà ga, bến cảng, sân bay quốc tế… rất thuận lợi cho khách du lịch di chuyển đi các điểm du lịch trong vùng và khu vực Lào, Thái Lan, Myanmar…
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại được các doanh nghiệp đầu tư mạnh và được đánh giá là khá hiện đại, sang trọng, đáp ứng tốt nhu cầu về ăn nghỉ, vui chơi, mua sắm của du khách du lịch. Lượng khách và doanh thu thời gian vừa qua tăng theo hàng năm. Du lịch thành phố Vinh đang phát triển và dần khẳng định vai trò trung tâm dịch vụ du lịch và điều phối khách du lịch trong vùng Bắc Trung Bộ.
Thành phố Vinh lung linh về đêm. Ảnh: Hải Vương Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 190 cơ sở lưu trú với gần 5.000 phòng, có 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao và hàng chục khách sạn từ 1 đến 2 sao. Hàng năm thành phố đón và phục vụ từ 1,3 đến 1,5 triệu lượt khách lưu trú. Thành phố đang đầu tư phố đêm, phố đi bộ tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, thay thế cây xanh, thảm cỏ, vỉa hè; trang trí hoa, cây cảnh… tạo diện mạo mới.
Tuy nhiên, du lịch thành phố Vinh phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế đó, việc thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, môi trường du lịch và an toàn vệ sinh thực phẩm đang còn nhiều bất cập, công tác quảng bá hình ảnh chưa được nhiều, nguồn lực, tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa chưa cao.
Để giải quyết các vấn đề trên, từng bước phát triển du lịch Vinh trở thành trung tâm dịch vụ và điều phối khách du lịch, thành phố đề ra 7 giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phát triển du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; tuyên truyền và thực hiện các giải pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử lịch sự, thân thiện đối với khách du lịch.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt về cơ chế, chính sách; chỉ đạo giải quyết tốt các thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả để phát triển các doanh nghiệp đầu tư và khai thác du lịch trên địa bàn thành phố.
Thành phố Vinh đầu tư chỉnh trang đô thị, hệ thống chiếu sáng tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh. Ảnh: CTV - Lâm Tùng Thứ ba, tích cực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư các khu du lịch, khu đô thị sinh thái theo hình thức nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại phía Đông và Nam thành phố; tạo những sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao, mang tầm khu vực để thu hút khách và tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi về với thành phố.
Thứ tư, đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng đô thị, mở rộng các tuyến giao thông đối ngoại, hiện đại hóa các công trình kỹ thuật, chăm sóc tốt hệ thống cây xanh, trồng mới một số loại hoa, cây cảnh đẹp, chỉnh sang hệ thống chiếu sáng mỹ quan đô thị, phấn đấu tạo nên cảnh quan đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.
Thứ năm, mở rộng và nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch trên địa bàn; Tập trung tìm các giải pháp tăng tính hấp dẫn, đa dạng dịch vụ tại các điểm đến. Nghiên cứu thí điểm tuyến đường đi bộ, chợ đêm mua sắm cho khách du lịch, Tour du lịch nội thành, hệ thống vận tải city bus. Liên kết với các hãng lữ hành xây dựng liên kết các tuor du lịch trong vùng, trong tỉnh với các điểm đến du lịch của thành phố Vinh.
Thứ sáu, làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Vinh thông qua các đợt xúc tiến du lịch với tỉnh, thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, internet… phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch tìm kiếm thông tin về du lịch thành phố Vinh.
Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực trình độ quản lý, năng lực chuyên ngành cho cán bộ, nhân viên du lịch.
Hàng cây trên tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách được trang trí đèn Led tạo điểm nhấn cho Thành phố Vinh. Ảnh: Lâm Tùng
Như vậy, để thành phố Vinh phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói” với vai trò chính là trung tâm dịch vụ và điều phối khách du lịch trong tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, thành phố mong muốn UBND tỉnh, Sở Du lịch hỗ trợ, giúp đỡ thành phố trong việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào du lịch của thành phố; tiếp tục hỗ trợ quảng bá xúc tiến cho du lịch thành phố như thời gian vừa qua. Sở Du lịch chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ giúp đỡ thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch cho thành phố - là vấn đề đang bỏ ngỏ trong khi thành phố có làng hoa, làng nghề, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ…