Thời điểm này, trên các cánh đồng của huyện Nghĩa Đàn, bà con nông dân đang phải dặm lúa xuân do ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc, cắn phá trên diện rộng.
Theo báo cáo của HTX nông nghiệp xã Nghĩa Thịnh, đến nay toàn bộ diện tích hơn 102 ha lúa vụ xuân của xã đều bị ốc bươu vàng cắn phá. Mật độ của ốc bươu vàng trên đồng ruộng phổ biến 10 - 20 con/m2, có nơi lên tới 60 - 80 con/m2.
Tại những chân ruộng thuộc các xã Nghĩa An, Nghĩa Khánh... ốc bươu vàng cũng xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa mới cấy của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Viết Trung - Trạm trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Đàn khuyến cáo: Để tiêu diệt ốc bươu vàng, người dân có thể dùng bằng nhiều phương pháp thủ công như: Bắt bằng tay, đào rãnh hai bên để làm khô nước ngoài ra có thể cắm cọc cho ốc bươu vàng lên đẻ trứng rồi bắt hoặc bà con có thể sử dụng phương pháp phun thuốc hóa học để phòng trừ.
Tại huyện Con Cuông, theo tổng hợp của cơ quan chức năng, hiện một số trà lúa ở một số địa phương như: Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê, Châu Khê đã có ốc bươu vàng phá hoại với diện tích khoảng 142 ha, với mật độ 5-7 con m2, cá biệt ở những địa phương mật độ 15-20 con/m2.
UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật và các xã hướng dẫn tổ chức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Theo bà con, diệt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công vừa đỡ chi phí vừa bảo vệ môi trường. Bắt vào ban đêm là hiệu quả nhất, vì ốc thường ngoi từ bùn lên đi ăn vào ban đêm.
Ốc bươu vàng sau khi được đánh bắt có thể làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy bằng chôn lấp với vôi, hóa chất hoặc đập vỡ./.