Thay đổi cơ bản đời sống nông thôn
“Muốn ăn khoai sọ chấm đường/ Xuống đây mà ngược đò Lường cùng anh/ Đò Lường bến nước trong xanh/ Gạo ngon, lúa tốt bến thành ngược xuôi”.
Câu ca xưa luôn là niềm tự hào của các thế hệ người Đô Lương về một vùng đất trên bến, dưới thuyền, biểu tượng của chốn đô hội, cảnh buôn bán tấp nập, sầm uất.
Hẳn vì vậy, Bí thư Huyện ủy Đô Lương Ngọc Kim Nam nhấn mạnh rằng, xây dựng và phát triển huyện xứng tầm là trọng trách lớn.
Phải nói xứ Lường xưa, Đô Lương nay luôn là vùng trung tâm, thuận lợi về giao thương ở phía Tây Nam của tỉnh. Trải qua bao biến thiên, Đô Lương giờ vẫn giữ được cái vị thế đó.
Khó có địa phương nào ở Nghệ An như Đô Lương, có ranh giới hành chính giáp với cả 6 huyện, lại là đầu mối hội tụ của các tuyến giao thông đường bộ quan trọng, án ngữ ở cửa ngõ của vùng Tây Nam Nghệ An trù phú và với nước bạn Lào.
Không chỉ có vị trí thuận lợi, xứ Lường từ xưa đến nay vẫn nổi danh là vùng đất hiếu học và học giỏi nức tiếng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự đi lên của đất nước và tỉnh nhà, Đô Lương đang có những chuyển động hết sức tích cực mà trong đó cho thấy sự năng động, đổi mới tư duy làm ăn của người dân.
Đó là mô hình của nông dân Đặng Anh Tuấn ở xóm 7, xã Xuân Sơn. Trên vùng đất đồi rộng 15,5 ha đất cằn sỏi đá, sau gần 25 năm miệt mài, ông Tuấn đã có một cơ ngơi đáng mơ ước. Mô hình tổng hợp trồng rừng, thanh long, quýt ngọt, nuôi lợn mang doanh thu cả hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình.
Hay như mô hình nuôi gà và trồng chanh không hạt của gia đình anh Trần Trọng Bính ở xóm 7, xã Thuận Sơn với tổng đàn lên đến 13.000 con thả đồi, ai cũng ngạc nhiên và phấn khởi cho vợ chồng anh sau 8 năm miệt mài biến đất cằn thành trang trại bạc tỷ.
Thành công đó không đơn thuần chỉ bằng sự cần cù, chăm chỉ mà còn cả sự sáng tạo, thích ứng nhanh với các yếu tố thị trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Lập cho biết, huyện Đô Lương có 97 trang trại, chiếm khoảng 1/10 của tỉnh.
Không chỉ biến đất thành “vàng mười”, quê hương Đô Lương nay dần dáng dấp lên một vùng công nghiệp. Tuyến đường N5 nối từ Quốc lộ 1A kéo dài đến Hòa Sơn đang trở thành một “xa lộ công nghiệp” mới của Nghệ An, mà địa phương thụ hưởng trực tiếp chính là Nghi Lộc và Đô Lương.
Các khu công nghiệp lớn đã và đang hình thành dọc huyết mạch giao thông này ở đoạn Nghi Lộc, còn tại Đô Lương, đón đầu cơ hội, một tập đoàn của Việt kiều Đức đã về đầu tư một tổ hợp may mặc mà đến nay đã giải quyết việc làm cho 2.300 lao động, năm 2019 dự kiến sẽ có 4.500 lao động làm việc ở đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao quyết tâm đầu tư về vùng nông thôn của Tập đoàn Minh Anh và những giá trị an sinh xã hội dự án mang lại.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất đề xuất của lãnh đạo tập đoàn được mở rộng tổ hợp may hiện hữu và xây dựng thêm nhà máy giặt phục vụ sản phẩm may xuất khẩu. Lúc hoàn thành, tổ hợp này sẽ biến Đô Lương thành một trung tâm may mặc lớn, giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động.
Những chuyển động hôm nay đã làm thay đổi cơ bản đời sống nhân dân và diện mạo địa phương.
17/32 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Đô Lương cũng đã được UBND tỉnh công nhận đạt đô thị loại V.
Toàn huyện chỉ còn 1.579 hộ nghèo, chỉ chiếm tỷ lệ 2,81% và 3.882 hộ cận nghèo, chiếm 6,91%; thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, nếu xem vị trí và cả truyền thống xứ Lường là một tấm gương thì bức tranh phản chiếu hôm nay của Đô Lương chưa làm hài lòng, thỏa mãn những kỳ vọng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Mão đưa ra những con số đáng suy ngẫm là năm 2018, Đô Lương có giá trị sản xuất mới chỉ đứng thứ 7 trong tỉnh và chỉ chiếm 5,3% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, mặc dù tốc độ sản xuất giá trị công nghiệp - xây dựng đạt hơn 26%, cao nhất trong 21 huyện, thành, thị...
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Đô Lương, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đều bày tỏ tin tưởng huyện sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nhưng câu hỏi là Đô Lương phải làm gì để tạo ra đột phá đó?
Do đó, theo đồng chí Lê Hồng Vinh, trước hết cần tính toán để huyện có được một quy hoạch tổng thể với tầm nhìn liên kết vùng và xác định Đô Lương là một trung tâm vùng, tạo tiền đề phát triển đột phá dựa trên “kiềng 3 chân”: đô thị - thương mại, dịch vụ - du lịch.
Từ đó, mới tính toán một quy hoạch đô thị xứng tầm thị xã và quy hoạch phát triển công nghiệp, nhất là gắn với đường N5, đồng thời quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, dựa trên điểm đến trọng tâm là Khu Di tích lịch sử Truông Bồn và đền Quả Sơn - 1 trong 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.
Dựa trên những thế mạnh của xứ Lường, có đủ cơ sở để Đô Lương hôm nay thể hiện được vai trò lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh. “Tại sao Đô Lương vẫn phát triển nhưng chưa có đột phá”? - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trăn trở và đề nghị lãnh đạo huyện Đô Lương đặt ra câu hỏi này để định vị lại vị trí, hướng đi cho huyện.
“Có như vậy mới nhận diện được những gì cần làm, mới hoạch định được các vấn đề phát triển khác” - Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở, trên cơ sở đó, huyện tập trung thu hút đầu tư, nhất là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, dịch vụ.
Mọi yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang hội tụ đầy đủ trên mảnh đất xứ Lường, vấn đề lúc này là cần một bước đi hợp lý, bài bản hơn với tầm nhìn dài hạn. Và như ai đó ví von: Khi “đủ nắng hoa sẽ lại nở” trên mảnh đất xứ Lường.