Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đã và đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được xác định là lĩnh vực khoa học và công nghệ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong đó có nông nghiệp.
Công nghệ sinh học đã trở thành công cụ đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng, trình độ của các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại đã có 5 chương trình, đề án khoa học công nghệ sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường và công nghệ nền trong công nghệ sinh học.
Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng hơn, tập trung vào việc ứng dụng để tạo các giống cây trồng mới, nhất là các công nghệ về ứng dụng chỉ thị phân tử, ứng dụng công nghệ gen để tạo các cây trồng biến đổi gen.
Việc nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực này đã đáp ứng yêu cầu tạo ra các giống cây trồng thế hệ mới với các đặc tính nông sinh học có ưu điểm vượt trội (như kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ, chống chịu các điều kiện bất thuận của môi trường).
Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học cũng hướng vào việc nhân nhanh các giống cây trồng mới bằng công nghệ công nghệ khí canh-thủy canh, công nghệ bioreactor; công nghệ cấy truyền phôi, công nghệ tinh đông lạnh cọng rạ, công nghệ sản xuất tinh lựa chọn giới tính trong chăn nuôi; công nghệ nhân giống nấm bằng dịch thể; phát triển và áp dụng các chế phẩm sinh học vào các quy trình sản xuất sạch, sản xuất vắcxin thế hệ mới.
Nhờ đó đến nay, Việt Nam đã nghiên cứu thành công và sản xuất thương mại vắcxin cúm gia cầm (cúm A/H5N1), giúp tiết kiệm ngân sách nhập vắcxin từ 25-30 triệu USD mỗi năm.
Hiện nay, Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất quy mô lớn các loại vắcxin phòng chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc và bệnh tai xanh ở lợn; nghiên cứu sản xuất vắcxin cho cá giò; đang nghiên cứu chế tạo vắcxin cho bệnh gan thận mủ ở cá tra.
Ngoài ra, việc sản xuất các bộ kít chẩn đoán bệnh nhanh, sớm, nhạy, độ chính xác cao đã góp phần tích cực trong công tác dự báo, xây dựng kế hoạch giám sát, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh lạ cho vật nuôi, cây trồng như dịch bệnh vàng lùn xoăn lá, bệnh lùn lụi lúa, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản, bệnh đốm trắng trên tôm.
Theo VOV