Trả lời câu hỏi của RT về dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ được đưa ra thảo luận giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump hay không, ông Dmitry Peskov cho biết: "Những vấn đề được đưa ra bàn bạc không phải nhất quán theo bản dự thảo đã được lên kế hoạch từ A-Z, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của hai nhà lãnh đạo. Hiện vẫn chưa rõ các vấn đề chính xác nào sẽ được đặt lên bàn, nhưng vấn đề xây dựng đường ống khí đốt sẽ không được đưa ra thảo luận đầu tiên ".
Song ông Peskov, Moskva sẵn sàng "cân nhắc mọi vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và trên trường quốc tế.".
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhận định những chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" là sự cạnh tranh không công bằng.
"Nga thực sự thấy e ngại về những cáo buộc trên. Nên nhớ rằng, "Dòng chảy phương Bắc 2" là một dự án quốc tế, chứ không là của riêng Nga hay Đức. Đây chỉ đơn thuần là một dự án thương mại giúp đáp ứng cung và cầu đối với mặt hàng khí đốt, có sự tham gia của rất nhiều cổ đông đến từ nhiều nước" - ông Peskov nói. Ông cũng nhận định, nếu lợi ích của những cổ đông này bị đe dọa, hoặc có những rào cản xung quanh việc triển khai dự án tiếp theo, sẽ làm phức tạp hóa các mối quan hệ.
Trước đó, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, tại Helsinki hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến một số vấn đề kinh tế, trong đó bao gồm cả việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2". Tuy nhiên, trước khi đến Phần Lan để gặp người đồng cấp từ phía Nga, tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Brussels (Bỉ), Tổng thống Trump đã thẳng thừng chỉ trích Đức chi tiền để mua khí đốt từ Nga và chịu sự chi phối, kiểm soát từ Nga.
Bày tỏ kỳ vọng về sự cải thiện mối quan hệ song phương Nga - Mỹ, Phát ngôn Điện Kremlin Peskov hi vọng, cuộc gặp sẽ là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tái xây dựng lòng tin ở mức chấp nhận được
Cuộc gặp thượng đỉnh chính thức Nga-Mỹ lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức là tiến bộ lớn nhất mà Moskva và Washington đã làm được trong năm vừa qua, dù quan hệ song phương đã "chạm đáy" khủng hoảng kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo không nên lạc quan thái quá về kết quả tại cuộc gặp hay hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian ngắn vì những mâu thuẫn "có hệ thống" đã bắt rễ sâu giữa hai bên khó có thể giải quyết chỉ trong một cuộc gặp ngắn ngủi.
Thêm vào đó, trước thềm hội nghị, không ít sóng gió vẫn tiếp tục cản trở tiến trình của cuộc gặp. Cụ thể, mới đây nhất, Mỹ đã chính thức buộc tội 12 công dân Nga tấn công mạng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.