Richard Sakwa – Giáo sư chính trị về Nga và châu Âu tại Đại học Kent cho rằng, với mục đích ban đầu, đối với Nhà Trắng cuộc gặp là cơ hội giảm căng thẳng ngoại giao, khôi phục quan hệ và giải quyết nhiều vấn đề quốc tế.
"Bất cứ sự nhún nhường lớn nào cũng khó xảy ra, có thể có sự nhượng bộ nhỏ, song điều này không góp phần giải quyết triệt để mọi vấn đề. Để thay đổi được mối quan hệ cần phải thay đổi chương trình nghị sự với những vấn đề thực sự phức tạp và không dễ giải quyết. Do đó, cuộc gặp chỉ là một công vụ bình thường, mà không có sự tái thiết quan hệ nào" - Giáo sư Sakwa nhận định.
Cẩn trọng với những động thái của Tổng thống Trump
Cựu Ngoại trưởng Iran Seyed Kamal Kharrazi thẳng thắn cho rằng, với sự nhiệt thành của mình, Tổng thống Trump thường tạo ra bầu không khí cởi mở bằng những tuyên bố bóng bẩy. "Chúng ta cần phải cẩn trọng, tỉnh táo để đưa ra đánh giá chính xác" - Ông Kharrazi nói.
Ông Kharrazi nhận định, việc duy trì đối thoại giữa các cường quốc là tín hiệu tích cực, nhưng cuộc gặp của ông Trump và ông Putin sẽ khó đạt được một thỏa thuận đặc biệt nào.
Để thay đổi tính chất của mối quan hệ, cả hai nước sẽ phải thay đổi, không chỉ chính sách của Mỹ mà cả chính sách của Nga. Tham vọng của hai bên là trở thành một cường quốc có những ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, ở mọi khu vực của thế giới. Để tìm tiếng nói chung cả Nga và Mỹ cần tập trung vào các vấn đề quốc tế, vào những điểm nóng đáng lo lắng, và sự phối hợp nỗ lực chung để vượt qua những thách thức. Còn nếu hai bên cứ duy trì sự cứng rắn, thì sẽ không có gì thay đổi cả.Không tồn tại lăng kính màu hồng
Trưởng khoa Quan hệ quốc tế và chính sách công của Đại học Mỹ tại Cairo (Ai Cập) và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Nabil Fahmi không đặt niềm tin nhiều về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga.
Nói về kỳ vọng của mình, ông Fahmi cho biết là người ủng hộ phương thức đối thoại, nhưng cần nhìn nhận một cách tỉnh táo rằng cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước rơi vào vòng vây của hàng loạt khủng hoảng và xung đột, các tranh chấp hiện tại đã phá hoại nghiêm trọng quan hệ song phương Mỹ - Nga. "Như vậy không tạo điều kiện để tiến triển".
Theo ông Fahmi, cả Nga và Mỹ đang cố gắng để đảm bảo tình hình sẽ không tồi tệ hơn, và hai nhà lãnh đạo đều muốn được coi là thắng lợi về mặt chính trị.
“Tôi không tâm ai là nhà lãnh đạo tài ba nhất thế giới, mà điều đáng quan tâm nhất là thế giới này được cải thiện và thay đổi như thế nào” – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập nói.
Đồng quan điểm đó, Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shiam Saran nhận định, không cần phải chú trọng quá nhiều vào cuộc gặp lần này, mà hãy “dành một khoảng lặng để đánh giá, và nhìn nhận xem liệu rằng sẽ có bất kỳ kết quả nào hay không, nhất là sự thay đổi về tương quan chính trị”.
“Tôi không mong đợi nhiều từ hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki. Điều này sẽ không mang lại sự kiến tạo mới nào trên chính trường quốc tế, hay như sự hình thành thế giới đa cực” - Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shiam Saran
Ông Saran dự đoán, mục đích của cuộc gặp sẽ chỉ dừng lại ở việc làm rõ những chính sách trong nước của chính nước Mỹ hơn là mối quan hệ song phương với Nga.
Mối quan tâm cấp thiết nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là tránh để xảy ra sự hiểu lầm đối với Nga vì bất cứ sự hiểu lầm nào về mục đích và nội dung chính sách hay các nghị quyết sẽ có nguy cơ tạo ra sai lầm lớn, gây leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa hai cường quốc.
Ông Saran cho biết thêm, trước chuyến đi tới Helsinki, Tổng thống Trump chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel do ký hợp đồng lớn mua khí đốt của Nga từ dự án “Nord Stream 2”, và thẳng thừng cho rằng Đức đang bị Nga kiểm soát, “giam hãm”. Điều này cũng trở thành một yếu tố “xấu” cản trở cuộc gặp của ông Trump và ông Putin.