Khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố nội các mới với nhiều tỷ phú, tướng quân đội và hết lời ca ngợi năng lực cũng như đóng góp của họ cho nỗ lực "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Hơn một năm sau, nội các của Trump chứng kiến những biến động liên tiếp, khi một loạt quan chức hàng đầu như chánh văn phòng Nhà Trắng, ngoại trưởng hay cố vấn an ninh quốc gia lần lượt ra đi, thậm chí có người chỉ biết tin mình bị sa thải qua mạng xã hội, theo FT.
Reince Priebus
Sau khi đắc cử, Trump chọn Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus, một đồng minh trung thành trong chiến dịch tranh cử, vào vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng.
Khi công bố quyết định, Trump cho rằng Reince là "nhà lãnh đạo có trình độ cao" đã góp phần "đưa chúng tôi đến một thắng lợi lịch sử". "Giờ đây, cả hai người sẽ đồng hành cùng tôi trong Nhà Trắng khi chúng tôi nỗ lực để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại", Trump nhắc đến Reince và chiến lược gia trưởng Steve Bannon.
Tuy nhiên, tháng 7/2017, Trump đã thay thế Priebus bằng Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly. "Tôi xin cảm ơn Reince Priebus vì sự phục vụ và cống hiến của ông ấy cho đất nước. Chúng tôi đã cùng nhau làm được rất nhiều việc và tôi tự hào về ông ấy!", Trump viết trên Twitter sau quyết định sa thải.
Đồng thời, ông hết lòng ca ngợi John Kelly, gọi ông này là "một người Mỹ, nhà lãnh đạo tuyệt vời" và là "ngôi sao đích thực trong chính quyền".
Steve Bannon
Chủ tịch chiến dịch tranh cử Stephen Bannon được Trump chọn làm chiến lược gia trưởng cùng một đợt với Priebus.
Một tháng sau khi Priebus bị sa thải, Bannon cũng rời khỏi vị trí chiến lược gia trưởng Nhà Trắng ngày 18/8/2017. Bannon, người theo chủ nghĩa dân túy, ngày càng bị cô lập trong Nhà Trắng sau khi John Kelly làm Chánh văn phòng. Bannon cũng thể hiện những quan điểm trái ngược với lập trường của Trump về vấn đề Triều Tiên.
"Tôi muốn cảm ơn Bannon vì sự phục vụ của ông. Ông ấy đã tham gia chiến dịch tranh cử khi tôi chạy đua với đối thủ Hillary Clinton - điều đó thật tuyệt vời! Cảm ơn nhiều", Trump viết trên Twitter.
Trump cũng hoan nghênh việc Bannon trở lại quản lý tờ Breitbart News mà Bannon đã làm chủ tịch điều hành trước khi tham gia chiến dịch của ông. Tổng thống Mỹ hy vọng Bannon tạo nên sự cạnh tranh với những "tin tức giả" trong giới truyền thông. Bannon tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của Trump và sẽ hỗ trợ Tổng thống chống lại những đối thủ ở quốc hội, trong giới truyền thông và ở cả nước Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai người rạn nứt trầm trọng vào tháng 1, khi một cuốn sách dẫn lại lời cáo buộc của Bannon rằng Donald Trump Jr, con trai Tổng thống Mỹ, có hành động phản quốc vì gặp mặt nữ luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya hồi tháng 6/2016. Bannon cho rằng trước đề nghị gặp mặt từ phía Nga, Donald Trump Jr nên gọi ngay cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thay vì tới tham dự cuộc gặp.
Trump sau đó tức giận và chỉ trích nặng nề cựu chiến lược gia trưởng. "Steve Bannon không liên quan tới tôi hay công việc tổng thống của tôi. Khi ông ta bị sa thải, ông ta không chỉ mất việc mà còn mất trí", Trump nói ngày 4/1.
"Steve không đóng góp gì nhiều cho chiến thắng lịch sử của tôi", ông nói thêm. Theo Tổng thống Mỹ, Steve Bannon chỉ đang tìm cách đánh bóng tên tuổi bằng việc "tiết lộ thông tin sai sự thật cho truyền thông để khiến ông ấy có vẻ là người quan trọng hơn".
Ngày 7/1, Bannon bày tỏ sự hối hận về việc chậm trễ đưa ra phản ứng. Ông tuyên bố luôn ủng hộ Trump và chương trình nghị sự của Tổng thống. Bannon cũng ngợi Donald Trump Jr. và nói những nhận xét của ông về cuộc gặp là nhằm vào cựu quản lý chiến dịch Paul Manafort thay vì Trump Jr., mặc dù tác giả cuốn sách bác bỏ việc này.
Rex Tillerson
Rex Tillerson, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, nhậm chức ngoại trưởng vào tháng 2/2017. Việc Tổng thống Trump chọn Tillerson cho vị trí này đối mặt với nhiều nghi ngờ, vì Tillerson không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ và lĩnh vực ngoại giao. Quan hệ kinh doanh của ông với Nga cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên, Trump bác bỏ những nghi ngờ này và hết lòng ca ngợi Tillerson. "Sự nghiệp của Rex Tillerson là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Thông qua làm việc chăm chỉ, tận tụy và cách đàm phán thông minh, ông bước lên qua các cấp bậc để trở thành CEO của Exxon Mobil, một trong những công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới", Trump nói.
"Rex biết cách vận hành một doanh nghiệp toàn cầu, vốn là điều cốt yếu để quản lý thành công Bộ Ngoại giao. Quan hệ của ông với các lãnh đạo toàn thế giới cũng không đứng sau bất kỳ ai. Tôi không thể nghĩ đến một người thứ hai có nền tảng và tận tâm hơn để phục vụ cho vị trí ngoại trưởng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Trump đã sa thải Tillerson và thay thế ông bằng giám đốc CIA Mike Pompeo, chỉ ra rằng sự bất đồng ý kiến giữa hai người là nguyên nhân dẫn đến quyết định.
"Chúng tôi khá hợp nhau nhưng cũng có những vấn đề bất đồng", Tổng thống Trump ngày 13/3 phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng. "Khi xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi thấy nó thật tồi tệ nhưng ông ấy lại thấy ổn. Tôi muốn xóa bỏ hoặc làm gì đó, ông ấy lại thấy khác. Chúng tôi không thực sự có chung suy nghĩ".
H.R. McMaster
Khi bổ nhiệm tướng H.R. McMaster làm cố vấn an ninh quốc gia ngày 20/2/2017, Trump ca ngợi ông này là "người với rất nhiều tài năng và kinh nghiệm". McMaster đã dành cả sự nghiệp trong lực lượng vũ trang Mỹ, từng phục vụ ở Iraq, Afghanistan.
Một số nguồn tin tiết lộ Trump và McMaster sau đó có nhiều tháng bất đồng. Trump ngày 22/3 viết trên Twitter rằng cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton sẽ là cố vấn an ninh quốc gia mới, thay thế cho McMaster. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng quyết định này là kết quả của các cuộc trao đổi giữa McMaster và Trump, khi cả hai người đều đồng ý rằng cần phải có một đội ngũ mới.
"Tôi cảm ơn tướng H.R. McMaster, người đã làm việc tuyệt vời và sẽ luôn là bạn của tôi", Trump viết.
Đề cập đến những xáo trộn nhân sự trong Nhà Trắng, Trump phủ nhận rằng có "sự hỗn loạn". "Người đến rồi đi là chuyện bình thường. Tôi vẫn còn muốn thay một số người. Tôi luôn luôn hướng đến sự hoàn hảo", ông nói.